Cảnh giác cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”

21/01/2021 - 02:56

 - Gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tài chính của người dân càng cao. Nhắm vào nhu cầu này, các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoặc “tín dụng đen” đưa ra nhiều hình thức mời gọi, dụ dỗ, chủ yếu hướng đến đối tượng lao động có thu nhập thấp. Nâng cao hiểu biết và chủ động cảnh giác vẫn là giải pháp trên hết để người dân không trở thành nạn nhân.

Những ngày cuối năm, dư luận trong công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp phản ánh tình trạng một số đối tượng thường xuyên tiếp cận công nhân để quảng cáo hoặc phát tờ rơi trước cổng, nhà trọ, cột điện, thông qua mạng xã hội, như: Facebook, Zalo… cho vay với thủ tục đơn giản.

Anh Võ Thanh Nhã ( Công ty TNHH An Giang Samho, Khu công nghiệp Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) cho biết, vào giờ tan ca, nhiều người đứng phát tờ rơi cho công nhân để giới thiệu các gói vay tiêu dùng. “Họ chủ yếu là nhân viên của các công ty tài chính, nhưng không loại trừ khả năng có một số đối tượng trà trộn vào giới thiệu hình thức vay vốn núp bóng “tín dụng đen” hoặc cho vay nặng lãi. Nếu trong phạm vi của công ty, bảo vệ sẽ mời họ rời đi, còn bên ngoài thì không kiểm soát được. Nội bộ công ty chưa nắm trường hợp nào vay tiền ở bên ngoài, nhưng dư luận công nhân phản ánh đã có trường hợp vay tiền phải đóng lãi hàng ngày, có người bị bên cho vay lấy thẻ ATM để rút tiền lãi” - anh Nhã thông tin.

Những người có nhu cầu vay thường trong hoàn cảnh cấp thiết về tiền bạc, trong khi thủ tục vay bên ngoài lại dễ dàng, kèm theo lời giới thiệu hấp dẫn: lãi suất thấp, có ngay tiền trong ngày, không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập... Trong lực lượng công nhân, nhờ công tác tuyên truyền, đa số mọi người đều biết và nắm rõ những hậu quả khi vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Chúng hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại, công ty thương mại - dịch vụ, cơ sở kinh doanh…

Hoạt động cho vay dưới hình thức không cần nhiều thủ tục, chỉ cần thế chấp một số giấy tờ liên quan, như: hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe… Nghe thì đơn giản, nhưng nếu người vay không thực hiện đúng giao kết hoặc không trả thì chúng dùng các hình thức “khủng bố” tinh thần (nhắn tin đe dọa, kéo đồng bọn mang hung khí uy hiếp, dán thông báo truy tìm lừa đảo ở các cột điện…) hoặc sử dụng vũ lực, hủy hoại tài sản...

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng nhắm đến công nhân ở công ty, xí nghiệp, sinh viên, người dân lao động nghèo, người mua bán nhỏ lẻ. Trên nhiều tuyến đường, sau những đợt ra quân cạo xóa quảng cáo trái phép, ở vị trí vừa xóa xong liên tiếp có những tờ dán quảng cáo mới, rất ngắn gọn, đơn giản: “Cho vay trả góp. Số điện thoại…”.

Chị H.N.N. cho biết, thỉnh thoảng đi làm về thấy khe cửa phòng trọ giắt nhiều giấy quảng cáo, từ dịch vụ cung cấp gas, bán đất, mua nhà trả góp, đến đủ hình thức cho vay đơn giản, số vốn cho vay ít nhất từ 3-5 triệu đồng và chi trả mỗi ngày từ 30.000-200.000 đồng.

Theo Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Tô Minh Lắm, biết chắc chắn trong công nhân có người vay tiền từ các nguồn bên ngoài, có cả vay nặng lãi nhưng không ai thừa nhận. Để bảo vệ công nhân, giải pháp chủ yếu là tuyên truyền, cảnh báo để họ không trở thành nạn nhân của các đối tượng cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, nhất là vào thời điểm cuối năm. Công nhân cần tỉnh táo tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp từ phía các ngân hàng và báo ngay cho cơ quan chức năng các hoạt động phi pháp.

Còn quan điểm của anh Võ Thanh Nhã thì hiện nay thu nhập của công nhân khá ổn định, kèm theo các phúc lợi khác, chi phí rẻ hơn so với đi làm ngoài tỉnh. Vì vậy, nếu biết gói ghém, cân đối chi tiêu, người lao động vẫn có thể sống đủ và tích lũy; chỉ số ít trường hợp lâm vào tệ nạn, cờ bạc, nợ nần mới liều mình đi vay ở các nơi không hợp pháp. Ngoài nâng cao hiểu biết cho công nhân qua tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức công đoàn nên xem xét có nguồn vốn với lãi suất phù hợp hỗ trợ công nhân được vay giải quyết các vấn đề cấp thiết để được bảo vệ quyền lợi, tài sản chính đáng, tránh tình trạng vay nóng bên ngoài, bị các nhóm cho vay lợi dụng.

Người dân cần cảnh giác và mạnh dạn tố giác đối với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi cao, kể cả phản ánh những đối tượng dán, phát tờ quảng cáo hoạt động cho vay.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích