Tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi để lừa đảo, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Trong đó, một số hình thức lừa đảo mới giả danh lực lượng công an, cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, nạn nhân của các vụ lừa đảo không chỉ là những người hám lợi, nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, chưa được cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, mà có cả những người đang công tác trong các cơ quan Nhà nước, nhân viên doanh nghiệp…
Đối tượng xấu sẽ giả mạo các cơ quan, tổ chức, như: Cơ quan Nhà nước, ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán… để gửi tin nhắn SMS lừa đảo cho nạn nhân; giả mạo các website chính thống để lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân. Ngoài ra, đối tượng xấu sẽ chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok… của người dùng. Sau đó, gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…; sử dụng các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen trên các website, gửi qua các thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội… để dụ dỗ người dùng.

Lợi dụng việc ngành công an tích cực hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID và cập nhật định danh mức 2, các đối tượng lừa đảo giả danh công an gọi điện báo định danh mức 2 của người dân bị lỗi, không đồng bộ lên cổng dịch vụ công hoặc một số nguyên nhân khác. Bọn chúng đề nghị cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu làm theo hướng dẫn của chúng. Nếu người dân làm theo, sẽ bị chiếm quyền kiểm soát thông tin tài khoản cá nhân, thậm chí thông tin liên quan đến tài khoản ứng dụng ngân hàng.
Các đối tượng chiếm quyền tài khoản mạng xã hội Facebook hay Zalo của “nạn nhân” rồi gửi tin nhắn trong danh sách bạn bè để nhờ bình chọn ảnh, với 1 link để vào website. Khi nhấp vào website đó thì hiện ra một giao diện nhập họ tên và số điện thoại. Nếu người dùng nhập xong, sẽ hiện ra 1 khung nhập mã OTP đã được gửi qua số điện thoại đã nhập trước đó. Nếu người dùng không nhập mã OTP lập tức sẽ có người gọi điện thúc giục, yêu cầu nhanh chóng nhập vào để tham gia bình luận. Chắc chắn rằng, nếu người dùng nhập mã OTP sẽ bị mất tài khoản mạng xã hội đang dùng, thậm chí có thể sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của mình. “Khi nhận được tin nhắn Facebook của đứa bạn, nhờ bình luận cho con tham gia cuộc thi ảnh đẹp. Nghĩ rằng bạn nhờ, nên tôi truy cập đường link thì thấy giao diện rất sơ sài, nên nghi ngờ. Tôi không nhập mã OPT mà gọi cho bạn mình xác nhận, thì mới biết là tài khoản Facebook bạn bị hack… Khi đó, bạn tôi thông báo với bạn bè để mọi người cảnh giác” - anh Nguyễn Văn Hảo (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Các đối tượng lừa đảo thu thập thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức, như: Thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn đặt mua công khai trên livestream; tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng từ các phần mềm, trang thương mại điện tử... Khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng lừa đảo sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (thường vào giờ hành chính) để gọi điện thoại, giả danh nhân viên giao hàng đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó, nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói để hàng trong sân nhà, gửi hàng xóm hoặc người quen… và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Sau khi nhận được tiền thanh toán mua hàng, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt liên lạc với khách hàng...
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhiều đơn vị, địa phương đã phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn nắm, hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đặc biệt, không chia sẻ thông tin tài khoản định danh điện tử cho người khác (mật khẩu ứng dụng, mật khẩu tài khoản định danh điện tử, mã OTP, passcode truy cập ví giấy tờ trên ứng dụng VNeID), chỉ xuất trình các thông tin trên khi được lực lượng chức năng có thẩm quyền yêu cầu; tuyệt đối không xuất trình hoặc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin giấy tờ cho các đối tượng lạ mặt, không phải cán bộ hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không cấp quyền truy cập vào camera, hình ảnh, danh bạ, tin nhắn, vị trí, trợ năng trên điện thoại cho các ứng dụng lạ, không chính thống; không chuyển tiền cho người lạ, không đăng nhập vào các đường link lạ. Đồng thời, không cung cấp mã OTP cho người khác; không cung cấp bất kỳ nội dung nào liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác; không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền, chứng minh tài chính, nộp phạt trên mạng xã hội, qua Zalo. Với tất cả các thông tin nhờ chuyển tiền, vay tiền, bình chọn... đều cần phải xác minh lại qua số điện thoại. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo cần thông báo ngay công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý...
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, đối tượng tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền cá biệt, tình huống cụ thể, trực tiếp tại địa bàn dân cư. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các đơn vị để phòng ngừa, xử lý hiệu quả hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
LÊ HOÀNG