Tin giả làm hoang mang dư luận
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 1-2020, Việt Nam đã có khoảng 65 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Đây được xem là "mảnh đất màu mỡ” của thông tin giả (fake news). Điển hình, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, các đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.
Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan đến dịch bệnh. Trước tình hình trên, lực lượng công an cả nước đã xác minh, làm việc gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật và xử lý hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch bệnh COVID-19 trên không gian mạng.
Theo Nghị định số 15 ngày 3-2-2020 của Chính phủ, người tung tin giả, sai sự thật, gây hoang mang dư luận có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ảnh: internet.
Bạn Nguyễn Thị Hồng Anh (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Mấy tháng gần đây, khi lướt mạng xã hội: Zalo, Facebook, đa phần em thấy bạn bè chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đường link dẫn đến những trang báo chính thống, cũng có những đường link dẫn vào những trang tin giả. Chưa kể những hình ảnh, video clip bị cắt ghép, những bài viết sai chính tả khá nhiều…
Điều này vô tình khiến tốc độ lan truyền những thông tin sai, giả mạo nhanh hơn, tiếp cận đến nhiều người hơn, làm người dân hiểu sai, hoang mang, lo lắng. Những thông tin thất thiệt đã tạo ra hiệu ứng “tâm lý đám đông”, người dân đã đổ xô mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay… làm cho giá các mặt hàng này liên tục lên giá.
Chưa kể, trong khi Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến những nơi đông người, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh thì mọi người chen chúc nhau trong siêu thị để mua thực phẩm dự trữ… Qua đó cho thấy, không ít người dùng mạng xã hội chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng”.
Sàng lọc, kiểm chứng thông tin
Thực tế trên cho thấy rất nhiều người nhận thức sai lầm, cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Để ngăn chặn hành vi tung tin giả, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng 2018 và Chính phủ ban hành Nghị định số 15 ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Sự ra đời của Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định số 15 là cơ sở pháp lý góp phần xây dựng môi trường không gian mạng văn minh hơn, đồng thời trở thành công cụ quản lý hiệu quả những hoạt động trên không gian mạng.
Theo đó, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội...
Vì vậy, người dùng mạng xã hội khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần tỉnh táo, sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Đồng thời, phải kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ bằng cách xem thông tin đó đến từ nguồn nào, có phải các trang chính thống không.
Các trang mạng chính thống của cơ quan, tổ chức nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể, rõ ràng trên trang. Đất nước ta đã và đang bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dùng mạng xã hội cần tăng cường chia sẻ những thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống; đấu tranh, phê phán và lên án những hành vi sai trái, vi phạm trên mạng xã hội.
Nói không với các tin đồn và không lan truyền thông tin không xác thực; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật để có biện pháp xử lý, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.
MINH THƯ