Cấp thiết xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ ngoại viện

13/07/2023 - 06:43

 - Số ca đột quỵ vẫn không ngừng tăng theo thời gian, nhưng mạng lưới cấp cứu ngoại viện hiện nay vẫn còn yếu và thiếu. Bệnh nhân đột quỵ phải "chạy đua" với thời gian để cứu lấy từng tế bào não. Do đó, cấp cứu ngoại viện cực kỳ quan trọng, khi mỗi giây đều rất quý giá. Nhiều bệnh nhân không may đã lỡ cơ hội cấp cứu trong “thời gian vàng”, tỷ lệ di chứng và tử vong sẽ rất cao.

Khi đột quỵ xảy ra, bệnh nhân phải "chạy đua" với thời gian để cứu lấy từng tế bào não

Đột quỵ gia tăng

Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 3 giây là có 1 bệnh nhân đột quỵ mới. Đáng báo động, cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời. Tỷ lệ này trong những năm trước là 1:6.

Tại hội nghị chuyên đề: “Nâng cao chất lượng mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoài bệnh viện năm 2023” do Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/6 tại Bệnh viện Quân y 175, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tỷ lệ trên cho thấy, nguy cơ đột quỵ đang tịnh tiến theo hướng xấu hơn. Thực tế, số lượt bệnh nhân đột quỵ mỗi năm tại nước ta theo thống kê của Bộ Y tế trên 200.000 ca. Tuy nhiên, đây không phải là con số thực tế cuối cùng, vì riêng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh) đã cấp cứu và điều trị khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, trong khi cả nước có hơn 1.000 bệnh viện”.

BS CKII Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh cho hay, chỉ có 11/63 tỉnh, thành phố hiện nay có Trung tâm Cấp cứu 115 hoạt động tách biệt với hệ thống các bệnh viện. Thiếu tướng Trần Quốc Việt (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) cũng cho rằng, cấp cứu ngoại viện còn yếu và thiếu trong hệ thống y tế của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, trong khi đã được đưa vào Luật Khám chữa bệnh đầu năm 2023. Để làm tốt hơn thì cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Chính phủ về tổ chức biên chế, trang thiết bị, công tác đào tạo đột quỵ và chế độ đãi ngộ cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia cấp cứu ngoại viện.

Tối ưu hóa “giờ vàng” cấp cứu

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, khi đột quỵ xảy ra, bệnh nhân phải "chạy đua" với thời gian để cứu lấy từng tế bào não. Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục. Chính vì thế, vai trò của cấp cứu ngoại viện đối với bệnh nhân đột quỵ là rất quan trọng, giúp tối ưu quá trình rút ngắn thời gian cấp cứu.

Hiện nay, với sự hình thành ngày càng nhiều các đơn vị cấp cứu đột quỵ cùng các phương pháp điều trị tiên tiến, tỷ lệ tàn phế và tử vong do đột quỵ não đã giảm. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ thực hiện được ở các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia về thần kinh mạch máu có kinh nghiệm. Việc tiếp cận đến các cơ sở y tế chuyên sâu kịp thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa mạng lưới cấp cứu ngoại viện với các bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ.

BS CKII Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: “Khái niệm “giờ vàng” trong cấp cứu, điều trị đột quỵ cũng như các bệnh khác phải được hiểu là càng sớm càng tốt. Nên giải pháp tối ưu hóa “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ phải được thực hiện ở tất cả các khâu, đồng thời vận chuyển và điều trị ưu tiên.

Trong đó, ngay từ cộng đồng phải có nhận thức về xác định tình huống cấp cứu, khả năng xử trí ban đầu, tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời. Sau đó, trung tâm cấp cứu tiếp nhận, sàng lọc, điều phối, tư vấn, kết nối nhanh chóng, hiệu quả. Quá trình vận chuyển phải đánh giá và ổn định bệnh nhân, vận chuyển an toàn đến bệnh viện phù hợp và cuối cùng là bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận, đánh giá, xử trí chuyên sâu”.

Nâng cao vai trò cấp cứu ngoại viện

Có 4 giai đoạn trong điều trị đột quỵ: Giai đoạn trước nhập viện (từ khi khởi phát triệu chứng đến khi nhập viện); giai đoạn tối cấp (giờ đầu tiên sau nhập viện); giai đoạn cấp (1 - 24 giờ sau nhập viện); giai đoạn bán cấp (24 - 72 giờ sau nhập viện). Khi thấy 3 dấu hiệu đặc trưng của đột quỵ: Méo miệng, yếu liệt tay chân cùng bên, ngôn ngữ bất thường, hãy gọi ngay 115.

PGS.TS. BS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo, Đột quỵ không còn là căn bệnh của người lớn tuổi. Theo thống kê, năm 2019 có 63% số ca đột quỵ xảy ra với những người trẻ. Có đến 89% số ca tử vong và tàn tật liên quan đến đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình - thấp, trong đó có Việt Nam. Do đó, vai trò cấp cứu ngoại viện ngày càng trở nên quan trọng và việc xây dựng quy trình cấp cứu trước khi nhập viện tối ưu được xem là mục tiêu hiện đại, nhằm rút ngắn thời gian bệnh nhân đột quỵ đến được các cơ sở y tế gần nhất.

An Giang có mạng lưới xe chuyển bệnh cấp cứu từ thiện mạnh nhất trong cả nước, cũng là tỉnh có số đơn vị điều trị đột quỵ nhiều nhất ĐBSCL (4 đơn vị). Hiện, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh và Bệnh viện Tim mạch An Giang đã đạt tiêu chuẩn Bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới về điều trị đột quỵ.

HẠNH CHÂU