CLB Liên thế hệ ngày ra mắt
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Văn Nhẩn, mô hình CLB Liên thế hệ được chọn thí điểm ở ấp Trung Phú 2. Đây là ấp nằm ngay trung tâm xã, có diện tích tự nhiên 590ha. Địa bàn có 325ha đất sản xuất nông nghiệp, 628 hộ dân, với 2.996 nhân khẩu. Trong đó có 12 hộ nghèo và 67 hộ cận nghèo; 256 người cao tuổi (cụ ông là 109 người, cụ bà là 147 người). CLB Liên thế hệ là mô hình mới được thành lập, với 43 thành viên. Có thể nói, việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, đặc biệt là hướng tới giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khăn tại cộng đồng là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, nhà nước. Qua cách tiếp cận, thành lập CLB Liên thế hệ nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi yếu thế để cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần.
“Mô hình được thành lập nhằm nâng cao chất lượng trao đổi giữa người cao tuổi và chính quyền địa phương, tạo cơ hội cho các thành viên tiếp cận tốt hơn các thông tin, chính sách liên quan sự phát triển của địa phương, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân và có những đóng góp thiết thực. Tạo cơ hội để các thành viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cháu. Từ đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, giúp người cao tuổi tự tin tham gia các phong trào văn thể mỹ của địa phương, được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của các cụ” - ông Nhẩn cho biết thêm.
Để CLB hoạt động hiệu quả, Ban Chủ nhiệm CLB xây dựng kế hoạch hoạt động và chọn hội viên thành lập nhóm, tổ phù hợp theo năng khiếu như: nhóm tuyên truyền, nhóm tư vấn kinh tế, nhóm tư vấn sức khỏe, nhóm văn hóa - văn nghệ. Ông Lê Văn Dực (sinh năm 1958, ngụ ấp Trung Phú 2) bày tỏ: “Tôi rất vui khi địa phương thành lập CLB Liên thế hệ để người cao tuổi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, tiếp cận nhiều chính sách của Đảng và nhà nước. Một trong lợi ích đó là chúng tôi được hướng dẫn phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện hơn nữa thu nhập. Tôi thấy bản thân mình cần phải gương mẫu trong giáo dục và nuôi dạy con cháu, cố gắng sống vui, sống có ích để giáo dục thế hệ sau tinh thần cần cù, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng CLB sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã để chất lượng sống người cao tuổi ngày càng được nâng lên!”.
Mới đi vào hoạt động nhưng đây là mô hình mang tính nhân văn rất cao từ việc xây dựng kế hoạch, chọn ban chủ nhiệm đến các tình nguyện viên trẻ. Theo đó, CLB sinh hoạt ít nhất 1 tháng/lần, công khai quản lý tài chính và tự tạo thu nhập để có thêm chi phí hoạt động. CLB được hỗ trợ không hoàn lại số tiền hoặc hiện vật phục vụ các hoạt động tăng thu nhập trị giá 100 triệu đồng theo Đề án số 2487/ĐA-SLĐTBXH ngày 17-11-2016 của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội trong 2 năm đầu làm quỹ tín dụng. Quỹ này dùng để cho các thành viên vay thực hiện hoạt động tăng thu nhập với lãi suất cho vay là 0,6%/tháng. Số lãi này đ hỗ trợ các hoạt động của CLB về lâu dài nhằm đảm bảo tính bền vững. Bà Phạm Thị Thể (sinh năm 1959, ngụ ấp Trung Phú 2) chia sẻ, mô hình không chỉ cải thiện đời sống người cao tuổi, còn giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo. “Bản thân còn tham gia CLB dưỡng sinh của xã, tôi sẽ cố gắng động viên nhiều người tham gia để nâng cao sức khỏe, nhất là các bạn trẻ. Vì có sức khỏe tốt mới có tinh thần minh mẫn tham gia tốt những công việc được giao”- bà Thể bày tỏ.
Là thành viên trẻ tham gia CLB, anh Nguyễn Vũ Thế Chương (sinh năm 1984, xã Vĩnh Phú) cho biết, CLB Liên thế hệ mang ý nghĩa rất hay nhằm giúp đỡ người cao tuổi phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Theo anh Chương, là người trẻ, cần góp sức trẻ nhiều hơn giúp các cô, chú lớn tuổi khó khăn hòa nhập tốt vào CLB.
PHƯƠNG LAN