Cây me chua hơn 600 năm tuổi

23/04/2021 - 04:58

 - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây me chua cổ thụ hơn 600 năm tuổi (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn, An Giang) không chỉ là tài sản diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.

"Cây me lớn" hơn 600 năm tuổi

Cây me chua là loại cây quen thuộc đối với mọi người từ thành thị đến nông thôn, nhưng khi đến huyện Tri Tôn, hầu như ai cũng phải ngỡ ngàng với cây me chua cổ thụ hơn 600 năm tuổi thường được người dân nơi đây gọi là “Cây me lớn”.

Theo các cụ cao niên nơi đây, chẳng ai nhớ nổi “Cây me lớn” có từ bao giờ, ai trồng hay tự nhiên mọc. Chỉ biết từ nhỏ họ đã thấy cây me cao to như vậy rồi. “Cây me lớn” có lớp da xù xì, bề hoành 6 vòng tay người lớn ôm không giáp, cao khoảng trên 20m, cành lá xum xuê. Bộ rễ của cây to, nổi lên mặt đất tạo ra các hình thù độc đáo. Từ thân chính cây có nhiều nhánh to một người vòng tay ôm không giáp vươn ra xa như những con rồng uốn lượn.

Cây có tán rất rộng, có thể che mát cho hàng trăm người. Phía trên cành cây còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim. Năm nào, “Cây me lớn” cũng ra hoa kết trái đều đặn và rất nhiều. Người dân trong xóm chỉ cần đi quanh gốc là có gia vị để nấu canh chua, kho cá… Trong thời kỳ chiến tranh, “Cây me lớn” giúp che chắn, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân an toàn trước các cuộc hành quân, càn quét của địch.

Trải qua hàng trăm năm với những điều kiện khắc nghiệt của thời gian và không biết bao nhiêu vết đạn, pháo hằn trên thân cây, nhưng “Cây me lớn” vẫn có sức sống vô cùng mãnh liệt và sừng sững trường tồn cùng thời gian. “Cây me lớn” được xem là báu vật của người dân nơi đây. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, “Cây me lớn” còn tạo nên lối sống quần cư, kết nối cộng đồng của người dân trong quá trình chung sống. Trong nét văn hóa, đời sống tâm linh, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer luôn xem cây me cổ thụ là tài sản quý, biểu tượng của đất mẹ, của truyền thống tình làng nghĩa xóm, một chỗ dựa tinh thần, bảo vệ, giúp phum, sóc an lành, mưa thuận gió hòa, gia đình khỏe mạnh, mùa màng bội thu.

Chị Néang Sóc Phol (đời thứ 6 trong dòng họ có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ “Cây me lớn”) chia sẻ: “Người dân rất quý “Cây me lớn” vì nó đã có từ lâu đời. Ai cũng rất ý thức trong việc bảo vệ, giúp cây ngày càng phát triển. Mấy đứa nhỏ trong xóm lâu lâu lại ra tưới nước, nhổ cỏ quanh gốc me. Việc chăm sóc “Cây me lớn” cứ như vậy, truyền từ đời này qua đời khác”.

Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận “Cây me lớn” là cây di sản Việt Nam. Qua đó góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ “Cây me lớn”, bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, nét đẹp về văn hóa, lịch sử gắn với đời sống của người dân địa phương.

Ngoài “Cây me lớn”, trên địa bàn tỉnh còn có 7 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam. Cụ thể là 2 cây vải thiều trên 300 tuổi ở chùa Svay Ta Hon (xã An Tức), cây dầu rái trên 700 tuổi (xã Cô Tô) thuộc huyện Tri Tôn, cây dầu rái trên 300 tuổi ở xã An Cư (Tịnh Biên) và 3 cây bằng lăng nước cổ thụ hơn 300 tuổi ở thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân).

TRỌNG TÍN