Cô Trần Thị Thoa, chủ cơ sở chả lụa Ba Long (bên trái) giới thiệu sản phẩm của gia đình.
Chả lụa Vĩnh Thạnh không chỉ nổi tiếng bởi nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng mà còn trải qua rất nhiều công đoạn công phu. Theo những người làm nghề, từng khoanh chả không chỉ tròn đầy trong hình dáng mà chả lụa Vĩnh Thạnh còn mang hương vị đặc trưng rất riêng biệt.
Với hơn 20 năm theo nghề làm chả lụa, cô Trần Thị Thoa, chủ cơ sở chả lụa Ba Long (ấp Qui Lân 6, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Ðể làm ra một chiếc chả lụa bao gồm nhiều công đoạn, từ chọn thịt, sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp gia vị đến xay thịt, hấp… đều phải rất công phu và tỉ mỉ. Ðầu tiên, khâu lựa chọn nguyên liệu rất kì công, muốn có chả lụa ngon thì phải lựa thịt heo tươi và chỉ chọn thịt đùi sau. Ðây là yếu tố tiên quyết để quyết định chất lượng và hương vị của khoanh chả lụa. Thịt phải được lọc bỏ gân, mỡ, chỉ lấy nạc. Bên cạnh đó, nước mắm để ướp thịt phải là loại nước mắm ngon, đạt từ 420 đạm”. Hướng dẫn chúng tôi tham quan cơ sở, cô Thoa cho biết tất cả quy trình đều phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Những sản phẩm do cơ sở chả lụa Ba Long làm ra đều có bao bì ghi nhãn mác và các thông số kỹ thuật của sản phẩm, cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản… được in rõ ràng trên bề mặt. Ðây cũng chính là điều giúp người tiêu dùng tin cậy thương hiệu chả lụa Ba Long trong suốt nhiều năm qua.
Là cơ sở nhỏ, bình quân mỗi ngày, cơ sở Ba Long sản xuất trên 20kg chả lụa với giá bán lẻ 185.000 đồng/kg. Vào những ngày cận Tết, sản lượng có thể tăng gấp 3-4 lần. Cô Thoa kể: “Trước đây, khi giá thịt heo rẻ, mỗi vụ Tết, tôi bán cả tấn chả. Mấy năm qua, giá thịt leo thang nên số lượng bán giảm nhiều. Hiện nay, vào vụ Tết, gia đình tôi chỉ bán hơn 400kg chả lụa. Ngoài ra, trong dịp Tết, tôi còn làm thêm hơn 100kg pa-tê và chả thủ”.
Còn tại ấp Phụng Lợi, thị trấn Thạnh An, chả lụa Kim Ngân là một thương hiệu lớn, từ lâu được nhiều người biết đến với truyền thống hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề. Bước vào khuôn viên cơ sở chả lụa Kim Ngân, điều ấn tượng nhất chính là từng khu vực sản xuất được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ với hệ thống máy móc được đầu tư quy mô. Chủ nhân cơ sở chả lụa Kim Ngân - ông Nguyễn Ngọc Ðoán, cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã đặt hàng mua dây chuyền sản xuất tự động từ bên Ðức. Với hệ thống máy này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi luôn tâm niệm sản phẩm không chỉ ngon mà còn phải đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Về quá trình lập nghiệp, ông Ðoán kể: “Lúc đó, vợ chồng tôi chỉ sản xuất nhỏ lẻ, mọi công đoạn đều làm thủ công, kể cả quết thịt bằng tay. Hằng ngày, chúng tôi đi bán món bánh ướt chả lụa để quảng bá món chả lụa của gia đình. Dần dà, tiếng lành đồn xa nên nhiều người biết đến thương hiệu”.
Bí quyết “giữ chân” khách hàng của cơ sở Kim Ngân chính là chất lượng sản phẩm. Bên cạnh ưu điểm khẩu vị vừa ăn, không hàn the, tất cả các công đoạn làm chả lụa Kim Ngân đều bảo đảm vệ sinh, sản phẩm được đóng gói bao bì bằng màng nhựa phức hợp kháng khuẩn PA, ép hút chân không. Chính vì thế, chả lụa trữ được lâu hơn so với sản phẩm gói lá chuối truyền thống. Vừa qua, chả lụa Kim Ngân cũng vừa được huyện Vĩnh Thạnh chọn lựa tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sản phẩm chả lụa Kim Ngân hiện đã có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Cơ sở Kim Ngân còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như: chả bò, chả chiên, chả thủ, mọc sống, nem huế, pa-tê,… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chả lụa. Ngày thường, cơ sở Kim Ngân bán trên 300kg/ngày chả lụa, vào những ngày giáp Tết, từ 1-3 tấn chả lụa.
Tại huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 5 hộ mở cơ sở sản xuất chả lụa với thương hiệu lâu năm, sản phẩm có chất lượng ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chủ các cơ sở này, từ sau 20 tháng Chạp mới là thời điểm chính vụ của nghề làm chả lụa với lượng tiêu thụ khá lớn, mang đến nguồn thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Theo Báo Cần Thơ