Chăm lo đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số

09/08/2024 - 06:53

 - Là địa phương biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, huyện An Phú đã tích cực thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Qua đó, đã phát huy hiệu quả sức mạnh đoàn kết dân tộc, cùng xây dựng vùng đất đầu nguồn ngày càng phát triển.

Về huyện An Phú hôm nay, đã thấy sự chuyển mình của vùng đất đầu nguồn. Những tuyến giao thông huyết mạch, những cây cầu nối nhịp bờ vui và cửa khẩu biên giới nhộn nhịp đã trở thành “sức bật” để vùng đất này có bước phát triển tích cực về kinh tế - xã hội. Trong đó, đời sống đồng bào DTTS Chăm luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương, những năm qua, địa phương luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chương trình, dự án mang đến hiệu quả thiết thực. Từ đó, đã thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào DTTS địa phương phát triển, đời sống văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Huyện ủy, UBND huyện An Phú phấn đấu thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 – 2029

Giai đoạn 2019 - 2024, UBND huyện đặc biệt quan tâm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực. Các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát triển; tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm được bảo tồn hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp Nhân dân…

Trong thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã tập trung sử dụng các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh và các nguồn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS để chăm lo công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đặc biệt, UBND huyện An Phú đã cất 14 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở là đồng bào DTTS Chăm tại ấp La Ma (xã Vĩnh Trường) và ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội), với tổng kinh phí hơn 610 triệu đồng.

Trong mục tiêu phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2022 - 2023, ngành nông nghiệp huyện An Phú đã hỗ trợ thực hiện trên 30 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Huyện cũng phát triển 8 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm khơi dậy tiềm năng, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn…

Đời sống vật chất, tinh thần của người Chăm ở huyện An Phú ngày càng khởi sắc

Về hoạt động du lịch (DL), huyện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang triển khai dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”; hỗ trợ khai trương mô hình “Chợ quê làng Chăm Đa Phước” tại thị trấn Đa Phước. Đặc biệt, sự kiện công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam huyện An Phú” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã tạo tiền để địa phương phát triển DL cộng đồng, DL trải nghiệm văn hóa Chăm, thu hút du khách đến với vùng đất đầu nguồn.

Ông Mohamad Aly (đại diện Khu chợ quê làng Chăm Đa Phước) chia sẻ: “Khu chợ quê phục vụ các món ăn đặc sản Chăm, như: Cà ri, tung lò mò, món lòng bò nấu kiểu Chăm, các món bánh truyền thống… Bên cạnh, còn có hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống Chăm, đặc sắc nhất là trống Rap Pà-nà. Chúng tôi còn tổ chức thêm các sản phẩm DL văn hóa độc đáo, như: Tái hiện lại lễ cưới truyền thống, tục đưa rể, các lễ hội trong năm của người Chăm, dịch vụ homestay, đua xuồng ba lá… để du khách trải nghiệm”.

Theo ông Mohamad Aly, những người thực hiện Khu chợ quê làng chăm Đa Phước luôn mong muốn đẩy mạnh quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Chăm, để mọi người hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở An Giang. Bên cạnh, tạo việc làm cho thanh niên là người Chăm, góp phần cùng địa phương chăm lo đời sống kinh tế cho bà con DTTS.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2024 - 2029, UBND huyện An Phú phấn đấu chăm lo tốt hơn nữa đời sống đồng bào DTTS Chăm tại địa phương, với các chỉ tiêu: Mức thu nhập bình quân của người DTTS đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm; đến năm 2030, có 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 99% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…

Phấn đấu đến hết năm 2025, có 50% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% ấp có đội văn hóa - văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; đến năm 2030, cơ bản thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS….

Phát biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện An Phú lần thứ IV/2024, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Liêm đánh giá cao những kết quả địa phương đạt được trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời, đề nghị Huyện ủy, UBND huyện cần tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế - xã hội để chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS tại địa phương. Tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Địa phương cần tích cực quan tâm xây dựng hệ thống chính trị và quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới vững chắc. Chú trọng nguồn nhân lực cán bộ là người DTTS, xem đây là yếu tố quan trọng cần quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động chức sắc, người uy tín trong đồng bào DTTS nhằm tạo sự đồng thuận, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng phấn đấu xây dựng huyện đầu nguồn ngày càng khởi sắc” - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Liêm nhấn mạnh.

THANH TIẾN