Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em

22/03/2024 - 06:38

 - Sức khoẻ tâm thần là một trong những yếu tố rất quan trọng của sức khỏe con người. Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ người lớn, mà trẻ em cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ môi trường, thiên tai, dịch bệnh, stress, học tập... Nhất là việc mất người thân - sự mất mát về tinh thần cũng như vật chất của trẻ em mồ côi là rất lớn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang cho biết, toàn tỉnh có 438.708 trẻ, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em là 4.113 trẻ, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%; số trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 33.882 trẻ, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 67%.

Bên cạnh đó, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 491 trẻ; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ là 2.020 em. Toàn tỉnh hiện chưa có phòng khám tâm lý tâm thần dành riêng cho trẻ em. Phòng khám Tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang hiện đang theo dõi và điều trị khoảng 100 - 200 trẻ có các vấn đề về bệnh lý tâm thần, phần lớn trẻ em phải điều trị ở các tuyến trên.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, chăm sóc sức khỏe tinh thần, hỗ trợ trẻ em mồ côi là nội dung quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe về thể chất, song thực tế lại chưa được quan tâm đúng mức. Việc giúp cho cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, cũng như nắm bắt được các biện pháp cơ bản để chăm sóc tinh thần cho trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em để thế hệ tương lai lớn lên, trưởng thành có ích cho xã hội.

Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, giáo dục trẻ mồ côi là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của toàn xã hội. Sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của toàn xã hội sẽ giúp trẻ mồ côi, trẻ tâm thần có cơ hội và điều kiện vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện.

Phiên họp mô hình “Hội đồng trẻ em” bàn về các nội dung liên quan trẻ em trong tỉnh

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2030. Mục tiêu tổng quát là trẻ em được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em.

Cùng với đó, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi và trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu cho từng giai đoạn (2024 - 2025; 2026 - 2028; 2029 - 2030) với các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe cho trẻ toàn diện.

Giai đoạn 2029 - 2030, phấn đấu 75% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng. Phấn đấu 100% trẻ mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình không phải là người thân, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

Giải pháp trọng tâm là rà soát, tham mưu đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ, chăm sóc trẻ mồ côi thiết thực và hiệu quả nhất với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt, trong đó chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ tại gia đình.

Bên cạnh đó, rà soát, góp ý đề xuất hoàn thiện các chính sách, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung trên toàn tỉnh. Tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em mồ côi. Từ nay đến năm 2030, tỉnh tiếp tục quan tâm để phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục; phát triển dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.

Một trong những giải pháp quan trọng là truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua các hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi, thông qua đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng với nhiều hình thức phong phú và đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, báo, đài phát thanh - truyền hình về đảm bảo quyền của trẻ em tại gia đình, cộng đồng.

Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh An Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện kế hoạch; điều phối các hoạt động trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh trong trường học; lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh của các cơ sở giáo dục…

MỸ HẠNH