Những cung đường thẳng tắp cờ hoa, những công trình tươi mới, những ngôi trường khang trang, những chuyến xe chuyên chở hàng hóa tấp nập qua lại biên giới, những khu chợ sầm uất… là hình ảnh thường thấy của đô thị Tịnh Biên đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Vùng đất này đã chịu nhiều thương tích của chiến tranh nhưng những giọt mồ hôi cần lao của người dân cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương đã dần đưa Tịnh Biên phát triển.
Hệ thống hạ tầng giao thông rất khang trang
Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân khẳng định: “Kết quả hôm nay xuất phát từ sự lãnh đạo kiên định của Đảng bộ, sự quyết tâm của bộ máy chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân địa phương. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả hệ thống chính trị và cáctầng lớp Nhân dân. Đó là niềm mong ước của nhiều thế hệ người dân Tịnh Biên trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương. Nó phản ánh khát vọng vươn lên của một vùng đất hào hùng trong chiến tranh và luôn nỗ lực đổi mới chính mình trong thời đại đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Đô thị Tịnh Biên trực thuộc tỉnh An Giang, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch có vai trò “đòn bẩy” trong phát triển vùng biên giới phía Tây của tỉnh. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương liên tục đạt mức cao, bình quân 10,98%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng 52,8%, trong khi lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 17,5%, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 29,8%. Đây là nỗ lực rất lớn của một huyện miền núi trong điều kiện tình hình kinh tế chung hiện nay.
Một góc đô thị Tịnh Biên hôm nay
Những năm qua, đô thị Tịnh Biên đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cấp Quốc lộ 91, Quốc lộ N1, Tỉnh lộ 955A, Hương lộ 11, đường Bàu Mướp, đường Đình và nhựa hóa nhiều tuyến đường nông thôn, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế và dân sinh. “Đặc biệt, các tuyến giao thông trọng yếu đã được kết nối tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, phát triển du lịch, nhất là từ thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc - Hà Tiên (Kiên Giang) đến Vương quốc Campuchia, tạo điều kiện phát triển kinh tế biên mậu. Bình quân, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đạtkhoảng 150 triệu USD/năm. Hoạt động của chợ biên giới Tịnh Biên cùng với chợ Bách hóa Tổng hợp, chợ bò Tà Ngáo, khu vực Đường Sứ An Nông, chợ Nhà Bàng đã tạo thành những điểm nhấn sôi động trong giao thương biên mậu” - ông Nguyễn Thành Quân thông tin.
Với kinh tế biên giới và du lịch là mũi đột phá trong phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định phải tập trung vào 2 “trọng điểm” này. 5 năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch đã có bước phát triển nhanh, với tốc độ tăng trưởngbình quân 13,56%/năm. Hai trục Quốc lộ 91 và Tỉnh lộ 948 ngày càng phát triển, đến nay có 167 điểm, cơ sở hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan.
Với những lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, 3 năm qua, Tịnh Biên đã thu hút 21 dự án đầu tư, với tổng số vốn 3.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 67 dự án đầu tư, với tổng vốn 6.700 tỷ đồng.Đặc biệt, một số dự án lớn đã đưa vào hoạt động như: Khu đô thị Sao Mai, Khu dân cư mở rộng chợ Tịnh Biên, dự án cáp treo núi Cấm, dự án Resort Sang Như Ngọc… Tất cả đã tạo nên diện mạo mới cho một đô thị Tịnh Biên trong quá trình dựng xây, phát triển để trở thành thị xã trong tương lai.
Cùng với phát triển thương mại, du lịch, đô thị Tịnh Biên cũng có bước tiến trong đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế và phúc lợi xã hội. 5 năm qua, nhiều công trình trọng điểm đã được huyện triển khai như: hệ thống trạm bơm 3/2, hệ thống tưới khu vực hồ ÔtưkSa,trạm bơm bọng Đình Nghĩa, hồ Thanh Long trên núi Cấm, trạm điện 110kV xã Văn Giáo… với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Những công viên cây xanh đã được đầu tư nhiều hơn trước, như: công viên mũi tàu, công viên khu hành chính, công viên quảng trường. Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt trên các trục lộ giao thông chính, như: Quốc lộ 91, Tỉnh lộ 948 và khu trung tâm các xã, thị trấn. Các tuyến vỉa hè ở khu vực trung tâm từng bước được triển khai, cảnh quan đô thị ngày một khang trang, đặc biệt là nhận thức của người dân về phát triển đô thị đã nâng lên đáng kể.
“Những thành quả trên là kết quả từ quá trình nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân Tịnh Biên. Chúng tôi đã bám sát chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh và tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành trong thực hiện mục tiêu đưa Tịnh Biên trở thành đô thị loại IV. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tịnh Biên luôn thể hiện quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, khắc phục mọi khó khăn, thử thách đểcó thành quả tốt đẹp như hôm nay” - ông Nguyễn Thành Quân khẳng định.
Sang giai đoạn mới, Tịnh Biên sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành thị xã sầm uất miền biên giới. Để thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tịnh Biên sẽ tích cực phấn đấu thực hiện các tiêu chuẩn của một thị xã mà nội dung cốt lõi là tiếp tục bước đường phát triển vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc, hòa cùng xu thế phát triển chung của tỉnh.
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Tịnh Biên đã được Hội đồng thẩm địnhTrung ương công nhận đô thị loại IV với 83,5/100 điểm. Để trở thành thị xã trong tương lai, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt và đạt còn thấp so quy định.Tập trung đầu tư hạ tầng, kiến thiết đô thị, đặc biệt là hệ thống thu nước mặt và xử lý nước thải ở 3 thị trấn: Tịnh Biên, Nhà Bàng và Chi Lăng. Đồng thời, phấn đấu hoàn hiện các tiêu chuẩn của 7 phường trong trục nội thị để làm tiền đề thành lập thị xã Tịnh Biên sau năm 2020. |
THANH TIẾN