Có được không gian sáng tạo, các em học sinh tự trải nghiệm thiết kế xe điều khiển mi-ni
Sân chơi lành mạnh
Trong thời gian học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, Đoàn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thường xuyên tổ chức hoạt động sáng tạo, cuộc thi trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó, tạo được sân chơi ý nghĩa sau giờ học căng thẳng, mang tính chất giải trí, phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Theo Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh Mai Thanh Tùng, hiện nay, học sinh cập nhật thông tin rất nhanh, trào lưu trên mạng xã hội, như: Facebook, TikTok, YouTube… Nắm bắt tâm lý này, Đoàn trường giúp các em tiếp cận thông tin tích cực, trào lưu có ích, lành mạnh, vừa giải trí, vừa phục vụ cho việc học tập.
Nhà trường tổ chức hàng loạt cuộc thi trực tuyến, như: “Nét đẹp học đường”, “Duyên dáng áo dài nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh”; thi trực truyến trên phần mềm My Aloha tìm hiểu về truyền thống nhà trường, thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh, bạo lực học đường, Luật Thanh niên, quy tắc ứng xử mạng xã hội, quy tắc ứng xử học đường, an toàn giao thông…
Điển hình, cuộc thi thiết kế clip “Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh trong tôi” trên nền tảng TikTok, phát huy tính sáng tạo của nhóm học sinh yêu thích làm video clip. Cuộc thi là dịp để các em giao lưu, liên kết với bạn bè, đồng thời lưu lại khoảnh khắc, dấu ấn, có giá trị nhân văn sâu sắc, hướng tới xây dựng truyền thống tốt đẹp của nhà trường.
Thầy Tùng cho biết, chỉ sau 1 tháng, ban tổ chức nhận được 34 video clip tham gia, trong đó 30 sản phẩm đủ điều kiện dự thi. Các sản phẩm nhận được 8.192 lượt thả cảm xúc, 2.183 lượt chia sẻ (share), 561 lượt bình chọn và rất nhiều bình luận cổ vũ tích cực.
“Đoàn trường phối hợp Thư viện huyện tổ chức cuộc thi thiết kế thiệp mừng xuân Nhâm Dần 2022; phát động thiết kế video clip mừng xuân. Qua video clip, học sinh gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè... Đồng thời, thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của bản thân với người thân, bạn bè, thầy cô - những người các em yêu quý, tôn trọng” - thầy Tùng chia sẻ.
Trải nghiệm để học tập tốt hơn
Với mong muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh được tiếp cận, làm quen với môn lập trình, ngành cơ - điện tử (lĩnh vực đang thiếu lao động tại Việt Nam), Liên đội Trường THCS Long Phú (TX. Tân Châu) tìm mọi nguồn lực thực hiện. Theo thầy Phạm Thành Lẫm, Giáo viên Tổng phụ trách đội nhà trường, hy vọng các em phát huy được điểm mạnh, điểm yếu của mình qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Từ đó, thấy được sở thích và đam mê thật sự của mình. Chỉ khi có đam mê, các em mới thật sự sáng tạo, cảm nhận được hạnh phúc trong công việc.
“Nhận được sự hỗ trợ của nhà hảo tâm tài trợ kinh phí, thiết bị, các em bắt tay thực hành, sáng tạo, hoàn chỉnh thiết kế chiếc xe điều khiển vận hành theo ý thích của mình. Các em rất tài năng, chỉ xem video hướng dẫn, học tập trong 2 ngày mà có thể tạo ra chiếc xe tự điều khiển cho riêng mình” - thầy Lẫm vui mừng.
Ngoài việc cho học sinh tiếp cận với môn lập trình, cơ - điện tử, Liên đội Trường THCS Long Phú còn thực hiện rất tốt mô hình “Vườn rau sạch gây quỹ giúp bạn học nghèo”. Ở vườn rau, học sinh có không gian tự tay gieo trồng các loại rau; được theo dõi, quan sát sự phát triển của chúng đến khi thu hoạch. Đây là hình thức học tập thông qua trải nghiệm, được thầy và trò nhà trường thực hiện rất hiệu quả thời gian qua.
Số lượng rau thu được dùng để gây quỹ giúp bạn học có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn quỹ có được, nhà trường cố gắng vận động thêm nhà hảo tâm để mua sắm linh kiện, thiết bị phục vụ hoạt động thực hành của các câu lạc bộ kỹ năng. Những sự đầu tư ấy đã chắp cánh cho trí sáng tạo của học sinh. Các em mạnh dạn nghiên cứu hệ thống phun tưới tự động trong vườn rau trên điện thoại di động của mình.
"Cây phát triển tốt nhờ biết “tự thân vận động” để linh hoạt thích ứng trong mọi hoàn cảnh và thời tiết thay đổi. Còn các em, muốn có cuộc sống tốt đẹp sau này, trước tiên phải rèn cho mình sự linh hoạt. Giải pháp tốt nhất là nỗ lực học tập, tham gia hoạt động trải nghiệm từ khi còn là học sinh” - thầy Lẫm chia sẻ.
ÁNH NGUYÊN