Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Pa-ri, Pháp. Ảnh AP
* Trong khi đó, tại I-ta-li-a, số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng mạnh, buộc Bộ Ngoại giao nước này phải khuyến cáo công dân không đi đến những nước châu Âu khác. I-ta-li-a cảnh báo nguy cơ người dân bị kẹt lại ở nước ngoài nếu các lệnh cấm đi lại được ban hành.
* Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở Ðức đã tăng vọt với hơn 10.000 ca mỗi ngày. Theo kế hoạch, trong ngày 28-10, Thủ tướng A.Méc-ken sẽ chủ trì cuộc họp với 16 thống đốc bang nhằm thống nhất kế hoạch phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia.
* Theo Bộ Y tế Pháp, tổng số ca tử vong tại Pháp tăng lên hơn 35 nghìn ca sau khi có thêm 257 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Giới chức Pháp đang cân nhắc các biện pháp kiềm chế dịch bệnh nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm sớm hơn và đóng cửa những cửa hàng không thiết yếu.
* Chính phủ Séc quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 28-10 đến 3-11 tới và yêu cầu Hạ viện phê chuẩn kéo dài tình trạng khẩn cấp đến tháng 12-2020. Hiện Séc đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực y tế, do mỗi ngày có khoảng 1.000 nhân viên y tế có xét nghiệm dương tính với Covid-19.
* Trong khi đó, Ðan Mạch lại ghi nhận thêm 1.056 ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất trong một ngày từ trước tới nay. Nhà chức trách Ðan Mạch đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới, theo đó, các cửa hàng không được phép bán đồ uống có cồn sau 22 giờ và giảm số người được phép tụ tập còn 10 người.
* Thủ tướng Na Uy E.Xôn-béc cũng thông báo sẽ áp đặt các quy định khắt khe hơn về tụ tập riêng tư, đồng thời chấm dứt những ngoại lệ về cách ly với người lao động nước ngoài. Theo đó, từ ngày 31-10 tới, tất cả người lao động nước ngoài tới Na Uy phải cách ly trong 10 ngày.
* Tại Bỉ, dù tránh để trẻ em bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch, song các trường học vẫn buộc phải kéo dài thời gian nghỉ lễ thêm ba ngày và thực hiện dạy học từ xa đối với các bậc học cấp 2 và cấp 3. Ðể tránh việc tái phong tỏa toàn quốc, Chính phủ Bỉ quyết định đóng cửa tất cả các quán rượu, nhà hàng và quán cà-phê trên cả nước trong bốn tuần.
* Chính quyền vùng Ca-ta-lô-ni-a của Tây Ban Nha đang xem xét áp đặt lệnh phong tỏa trong vài tuần. Thông báo nêu trên được đưa ra ngay sau khi lệnh giới nghiêm ban đêm được chính phủ trung ương ban hành bắt đầu có hiệu lực. Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) đầu tiên có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 1 triệu người.
* Theo báo cáo của tổ chức Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đại dịch có thể khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 40% trong năm nay và phải đến năm 2022 mới có thể phục hồi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, các nền kinh tế phát triển đã chứng kiến FDI giảm tới 75% so với năm 2019.
Theo Nhân Dân