Châu Đốc tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tăng trưởng du lịch
Châu Đốc có tiềm năng và vị trí địa lý đặc biệt, với trên 16km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia; là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh, khu vực ĐBSCL với Campuchia và các nước Đông Nam Á bằng đường bộ lẫn đường thủy. Nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình, có ngã ba sông thơ mộng, nhiều địa danh gắn liền với thời kỳ mở đất, cùng các di tích cấp quốc gia, như: Khu du lịch núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Phước Điền, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, đình thần Châu Phú và đình thần Vĩnh Nguơn. Với những đặc điểm nổi bật này, hàng năm, Châu Đốc thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, hành hương, nghiên cứu, chiếm 80% lượng du khách toàn tỉnh, nhất là dịp lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (tháng 4 âm lịch hàng năm).
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi, năm 2020, thành phố đề ra mục tiêu: “Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu GDP chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho xã hội; xây dựng thương hiệu và phấn đấu đưa TP. Châu Đốc trở thành trung tâm du lịch của tỉnh”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục khai thác lợi thế có sẵn về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu, điểm du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chú trọng trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản văn hóa; xây dựng các khu phố ẩm thực, phố đi bộ... Trong đó, chú ý đến việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lên phương án để đảm bảo các hộ dân trước cổng chính miếu Bà Chúa Xứ núi Sam có thể buôn bán tốt hơn, không ảnh hưởng đến tính nghiêm trang của khu du lịch tâm linh.
Song song đó, kiến thiết và chỉnh trang đô thị, trong đó ưu tiên nâng cấp dịch vụ nhà hàng - khách sạn, các dịch vụ đại lý và du lịch lữ hành, dịch vụ hướng dẫn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sông nước, làng bè trên sông, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch thể thao. Quan tâm phát triển các tour du lịch trong nước và quốc tế; tạo công trình du lịch hấp dẫn, đón du khách dừng chân và tham quan các địa điểm di tích, cảnh quan của Châu Đốc. Chú trọng tạo môi trường du lịch văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Quan tâm đến hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành, từng bước khắc phục hiện trạng thiếu hướng dẫn viên tại các điểm du lịch. Có chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, lao động trong và ngoài nước để phát triển du lịch. Xây dựng và củng cố bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, đáp ứng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới…
“Trước tình hình phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), với tinh thần: “Bình tĩnh, chủ động, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thường trực UBND tỉnh trong công tác phòng, chống Covid-19”, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách, nhất là các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh dịch vụ ăn uống có ý thức phòng tránh dịch bệnh, như: đeo khẩu trang phù hợp, giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên theo khuyến cáo của Bộ Y tế khi tham gia các hoạt động tại các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Mặt khác, địa phương sẽ tiếp tục cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách. Tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự. Qua đó, phòng tránh dịch bệnh lây lan trên địa bàn, đặc biệt ở các khu, điểm du lịch, di tích… để Châu Đốc là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” - Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết.
THU THẢO