Châu Phú hướng đến phát triển bền vững

16/12/2021 - 07:43

 - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp (DN) và nhân dân, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) phù hợp diễn biến dịch bệnh và đạt những kết quả khả quan.

Huyện Châu Phú thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với phòng, chống dịch COVID-19

Kết quả đạt được

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Năm 2021, thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Châu Phú đã triển khai linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp từng giai đoạn. Triển khai thực hiện nghiêm các chính sách của Chính phủ hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc phục hồi phát triển đạt nhiều kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu KTXH năm 2021 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra”.

Tổng diện tích gieo trồng năm 2021 của huyện là 92.680ha. Trong đó, diện tích lúa 84.800ha, năng suất bình quân 7,1 tấn/ha; hoa màu 6.070ha; cây ăn trái 1.810ha. Ước tổng sản lượng lương thực 581.783 tấn. Sản xuất nông nghiệp đạt trên 191 triệu đồng/ha. Ước sản lượng thủy sản 130.565 tấn, đạt 108,8% kế hoạch.

Huyện Châu Phú tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ phát triển gắn với ứng dụng công nghệ cao, như: Chuỗi liên kết và tiêu thụ rau muống lấy hạt, diện tích 254ha, trên 10.123ha lúa canh tác theo "Cánh đồng lớn", 1 dự án VnSAT thực hiện trên địa bàn xã Thạnh Mỹ Tây. Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Châu Phú có 8 sản phẩm được tỉnh phân hạng đạt chuẩn 3 sao, tăng 4 sản phẩm so cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, công tác kêu gọi đầu tư được lãnh đạo huyện Châu Phú xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để góp phần đưa KTXH địa phương phát triển. Trong năm, có 4 DN đăng ký và thực hiện các thủ tục đầu tư 6 dự án trên địa bàn, quy mô trên 620ha, tổng mức đầu tư dự kiến 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án Khu đô thị mới Sao Mai tây thị trấn Cái Dầu; hỗ trợ Tập đoàn Sao Mai hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch Khu đô thị Sao Mai Bình Long; hỗ trợ hoàn chỉnh các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công đường nối từ bến đò Khánh Hòa - Hòa Bình đến Quốc lộ 91 (xã Mỹ Phú) dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, trong năm, đã có 329 cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đầu tư trên 96,9 tỷ đồng, nâng tổng số cơ sở, hộ kinh doanh toàn huyện lên 4.666. Việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng chợ đạt chuẩn “Trật tự văn minh” được huyện quan tâm thực hiện. Hiện, đã ký văn bản thỏa thuận với Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam về đầu tư trung tâm thương mại tại 6 chợ (Cái Dầu, Châu Phú, Vịnh Tre, Long Châu, Kênh Đào, Bình Thủy) và đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Giải pháp phát triển

Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Châu Phú đề ra mục tiêu trong năm 2022 tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng quy trình phát triển từng ngành hàng, xúc tiến hình thành chuỗi giá trị hoa kiểng, rau màu, trái cây, vật nuôi và gia tăng chuỗi ngành hàng lúa gạo, cá tra. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các loại nông, thủy sản có giá trị cao hơn. Tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả, phù hợp với sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy hình thành, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch và mở rộng vùng sản xuất tập trung.

“Huyện sẽ xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng bảo vệ vườn cây ăn trái, không để nông dân trồng tự phát và phải trồng đúng quy hoạch được duyệt. Song song đó sẽ cải tạo hệ thống trạm bơm điện kết hợp kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường các hoạt động “sản xuất chung”, “mua chung”, “bán chung” nhằm gia tăng sự đồng nhất về chất lượng nông sản, giá thành sản xuất, đáp ứng điều kiện về quy mô để phân phối sản phẩm nông nghiệp vào các kênh tiêu thụ hàng hóa lớn trong cả nước” - ông Nguyễn Thanh Lâm thông tin.

UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, xác lập khu vực phát triển đô thị tại các xã, thị trấn để có cơ sở xác định quỹ đất kêu gọi đầu tư các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch… Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn, phát động xây dựng NTM theo tiêu chí nâng cao, NTM kiểu mẫu, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2022, xã Bình Long đạt chuẩn NTM, xã Thạnh Mỹ Tây hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí không cần vốn trong xây dựng NTM…

MỸ LINH