Châu Phú phấn đấu trở thành thị xã vùng ven sông Hậu

06/12/2022 - 15:02

 - Trong tương lai không xa, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) sẽ trở thành thị xã vùng ven sông Hậu thông qua việc thực hiện các chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới (NTM) và chỉnh trang đô thị.

Nông thôn ngày càng khởi sắc

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đến thời điểm hiện tại, Châu Phú có 6/11 xã đạt chuẩn NTM, gồm:  Bình Mỹ, Bình Thuỷ, Bình Chánh, Mỹ Đức, Khánh Hoà và Ô Long Vĩ. Dự kiến, trong năm nay, Thạnh Mỹ Tây, Bình Long là 2 xã đạt chuẩn NTM và xã Bình Mỹ sẽ trở thành xã đầu tiên trong huyện đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới do UBND tỉnh An Giang ban hành. Tiếp đó, 2 xã Bình Phú, Mỹ Đức và Khánh Hoà phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023.

Châu Phú có thế mạnh riêng để thu hút đầu tư nhờ nằm bên bờ sông Hậu hiền hoà cùng tuyến đường huyết mạch kết nối vùng ĐBSCL thuộc Quốc lộ 91 đi qua.

Cũng trong năm 2023, huyện Châu Phú tiếp tục triển khai mở rộng các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng NTM, như: Vùng trồng nhãn xuồng tại xã Khánh Hòa; trồng sầu riêng xã Bình Chánh; vùng chuyên rau màu xã Bình Thủy và vùng nuôi cá lóc giống theo tiêu chuẩn Global GAP ở xã Mỹ Phú.

 Riêng trong lĩnh vực môi trường, Châu Phú đã có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn với tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng phát sinh và lượng nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp. Tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó tỷ lệ đất trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu. Tỷ lệ điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện đều có hạ tầng về bảo vệ môi trường đảm bảo đúng theo quy định.

“Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Châu Phú luôn được sự hỗ trợ kịp thời của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, các sở, ngành liên quan, cũng như sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện cùng sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Từ đó, tạo nên phong trào sâu rộng, bước đầu đạt được những kết quả rất tốt với diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh góp phần tăng thu nhập cho nông dân” - ông Lâm phấn khởi nói và cho rằng chính vì thế mà địa phương nhận được nhiều sự đóng góp của người dân trong xây dựng giao thông nông thôn, cũng như các phong trào an sinh xã hội khác.

Ngầm hóa đô thị

Thông tin từ ngành chức năng huyện Châu Phú, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã xây dựng hoặc nâng cấp mở rộng 26 công trình đường giao thông, cầu, cống với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 15 tỷ đồng. Đặc biệt, Châu Phú đã được UBND tỉnh An Giang thống nhất cho chủ trương về quy hoạch xây dựng chung các xã và xây dựng huyện đạt tiêu chí thị xã vào năm 2030. Niềm vui lớn nhất của huyện nhà là đã được Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Cái Dầu mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại 4.

 Bên cạnh đó, huyện đã và đang xây dựng 65 công trình cầu, đường, trường học với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong năm 2022 là huyện kêu gọi được các doanh nghiệp đăng ký khảo sát, đầu tư mới 4 dự án về khu dân cư và hoa viên Trúc Lâm tại xã Khánh Hoà và Thạnh Mỹ Tây trên quy mô hơn 280 ha, với tổng số vốn dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm phấn khởi cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện công trình ngầm hóa các đường dây cáp quang, dây tín hiệu, dây dẫn điện, lát gạch vỉa hè trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu để tạo không gian thông thoáng và hiện đại. Riêng hạng mục lát gạch vỉa hè được thực hiện theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Song song đó, huyện còn thực hiện nâng cấp mở rộng nút giao thông, thi công công viên dưới chân cầu Vịnh Tre tại xã Mỹ Phú, hệ thống cống thoát nước ở xã Bình Mỹ, lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và đèn hoa trang trí dọc theo Quốc lộ 91”.

Châu Phú đang thực hiện ngầm hoá các đường dây cáp quang, dây tín hiệu, dây dẫn điện dọc theo tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu để tạo không gian thông thoáng và hiện đại.

Huyện đang hoàn thành các hồ sơ, thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư quy hoạch xây dựng đối với các dự án đã đăng ký thực hiện, như: Cụm công nghiệp Mỹ Phú, dự án khu đô thị mới Bình Mỹ và dự án khu dân cư xã Mỹ Phú để sớm thi công, đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, đang kêu gọi đầu tư hàng loạt các dự án khác tại các xã: Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Bình Thuỷ, Khánh Hoà và thị trấn Cái Dầu.

Trong đó, sẽ tập trung đầu tư, cũng như triển khai thi công láng nhựa tuyến đường Nam Cần Thảo, với chiều dài hơn 15km, mặt đường rộng hơn 6m theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện với hiện trạng hiện nay là 152 giường lên 252 giường để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân và các chính sách người có công, an sinh xã hội đều được huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác giáo dục cũng đảm bảo theo kế hoạch. Trong năm 2023, huyện thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm tập trung cao độ, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động nghiên cứu, cải tiến phương pháp làm việc để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra” và khẳng định sẽ áp dụng nhiều giải pháp để làm sao đưa chỉ tiêu thu nhập bình quân theo đầu người năm 2022 là 63 triệu đồng lên hơn 64 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.

Sát cánh xây dựng NTM

Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Châu Phú Huỳnh Văn Lắm cho biết ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang ký hợp đồng dịch vụ công ích đối với UBND huyện Châu Phú về chăm sóc công viên cây xanh, bảo trì hệ thống chiếu sáng công cộng, quét rác đường phố và khu vực Trung tâm Thương mại thị trấn Cái Dầu, quản lý và khai thông cống thoát nước khi có yêu cầu; thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với tổng sản lượng 66 tấn/ngày. Tuy nhiên, quá trình thu gom đã phát sinh thêm khoảng 4 tấn rác/ngày nhưng xí nghiệp vẫn đảm bảo không để tồn đọng rác trong dân.

“Hiện nay, chúng tôi được Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang trang bị nhiều phương tiện chuyên dụng nên có thể đi qua con đường hẹp, cầu yếu cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là yêu cầu về mở thêm các tuyến thu gom rác để đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường. Phần rác phát sinh ngoài hợp đồng có nguyên nhân là do điều kiện sinh hoạt của bà con tăng lên sau khi phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và do mở rộng các tuyến đường thu gom. Chúng tôi cam kết sẽ sát cánh cùng địa phương trong quá trình xây dựng xã NTM và NTM nâng cao”- ông Lắm chia sẻ.

Bài và ảnh: GIA HƯNG