Châu Phú thực hiện chuyển đổi số

07/04/2023 - 06:52

 - Thời gian qua, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công vụ, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số.

Từng bước chuyển đổi số

Trên cơ sở Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Châu Phú đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực, hiệu quả trong chuyển đổi số trên địa bàn. Đồng thời, ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh huyện Châu Phú.

Theo đó, để công tác chuyển đổi số hiệu quả đến từng người dân trên địa bàn, huyện Châu Phú đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến thực hiện tiếp nhận và trả kết quả các hồ sơ thủ tục hành chính, như: Nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến, trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích…

Đồng thời, triển khai thực hiện hệ thống báo cáo dữ liệu động (VNPT - LRIR), nhằm tự động hóa tổng hợp báo cáo, thống nhất biểu mẫu giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn, cũng như kết nối với hệ thống thông tin báo cáo dữ liệu động của UBND tỉnh. Từ đó, giúp giảm chi phí, thời gian và hỗ trợ lãnh đạo huyện nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương thông qua các số liệu, biểu bảng, để đề ra các quyết định giám sát, điều hành phát triển các chỉ tiêu KTXH.

Hướng dẫn cập nhật, tích hợp thông tin vào hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh huyện Châu Phú

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Huyện Châu Phú đã áp dụng thực hiện “Hệ thống số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử tại kho lưu trữ huyện” đối với Văn phòng HĐND và UBND huyện, đạt khoảng 22% cả kho lưu trữ. Qua đó, giúp số hóa hồ sơ giấy, giảm chi phí lưu trữ, chỉnh lý các tài liệu, hồ sơ một cách khoa học và tra cứu hồ sơ tài liệu nhanh chóng.

Để có cơ sở dữ liệu về hình ảnh phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, góp phần chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước và an ninh công cộng, huyện Châu Phú đã xây dựng hệ thống camera an ninh. Đến nay, đã đầu tư lắp đặt 208 camera giám sát tại các tuyến đường trọng yếu trên địa bàn huyện nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND huyện và nhu cầu chuyển đổi số của người dân”.

Phát triển Trung tâm Điều hành thông minh

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) huyện Châu Phú có vai trò quan trọng góp phần xây dựng, phát triển huyện Châu Phú trở thành đô thị thông minh. Do đó, IOC huyện Châu Phú sẽ khai thác thông tin thuộc các lĩnh vực liên quan đến KTXH của địa phương, như: Y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giao thông, du lịch, văn bản điện tử, phản ánh kiến nghị…

Từ IOC, giúp lãnh đạo huyện Châu Phú quản lý, điều hành mọi mặt về tình hình: Kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa - xã hội; nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện để chính quyền và người dân, doanh nghiệp gần nhau hơn. Cũng từ IOC, lãnh đạo huyện Châu Phú theo dõi sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của từng ngành, cơ quan, đơn vị thông qua số liệu được cập nhật từ thực tế công việc.

Ông Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Qua gần 9 tháng vận hành, IOC huyện Châu Phú đã tích hợp hoàn chỉnh 9 phân hệ thông tin: Báo cáo KTXH, văn bản điện tử, giáo dục, y tế, camera an ninh, phản ánh kiến nghị, lắng nghe mạng xã hội, hành chính công và du lịch. Thời gian tới, huyện tiếp tục hoàn chỉnh các thông tin, số liệu tích hợp vào hệ thống nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, mang lại cách đánh giá vừa tổng quan, vừa chi tiết cho hệ thống”.

Tích cực triển khai Đề án 06/CP

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tổ công tác của UBND huyện Châu Phú triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP trên địa bàn.

Huyện Châu Phú đã thực hiện giải quyết hồ sơ nộp trực tuyến đối với các dịch vụ công thiết yếu: Cấp lại hoặc đổi thẻ căn cước công dân; đăng ký thường trú, tạm trú; khai báo tạm vắng; đăng ký, cấp biển số xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình; liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Công an huyện đã thực hiện quyết liệt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, như: Rà soát, điều chỉnh đối với hộ không có chủ hộ; xóa dữ liệu trùng thông tin trong và ngoài tỉnh; cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn huyện… nhằm phục vụ việc chia sẻ, kết nối với dữ liệu với các đơn vị ngoài ngành.

Thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh về việc đăng ký mô hình điểm về đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và Đề án 06/CP của Chính phủ, huyện Châu Phú đã đăng ký với UBND tỉnh thực hiện mô hình “Tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” là mô hình điểm cấp huyện và mô hình “Bố trí cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” 13 xã, thị trấn” là mô hình điểm cấp xã trong thực hiện công tác làm sạch dữ liệu dân cư và Đề án 06/CP của Chính phủ.

 

MỸ LINH