Châu Phú thực hiện công tác giảm nghèo

06/07/2022 - 02:22

 - Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động tạo việc làm, giúp tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các điều kiện chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Qua công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều, trên địa bàn huyện Châu Phú hiện có 2.143 hộ nghèo (tỷ lệ 3,77%) và 3.227 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,67%). Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp chăm lo đời sống, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, tăng cường lồng ghép vốn từ các chương trình, chính sách để hỗ trợ thích hợp cho từng nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, như: Bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, khuyến thích và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Công tác chăm lo cho người nghèo, cận nghèo được cả hệ thống chính trị huyện quan tâm thực hiện. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác, mỗi ban, ngành, đoàn thể huyện đã tổ chức nhiều cách làm, mô hình đa dạng hỗ trợ người dân nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, UBND và UBMTTQVN huyện phối hợp thực hiện kế hoạch xóa nhà tre lá tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Từ đó, đã vận động xây cất hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo để họ có nơi “an cư” yên tâm lao động, sản xuất. Năm 2022, UBND và UBMTTQVN huyện Châu Phú tiếp tục vận động các nguồn lực xây dựng 164 căn nhà, mỗi căn phải đảm bảo từ 32m2 trở lên”.

Mô hình giảm nghèo thực hiện tại xã Ô Long Vĩ

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Phú với vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hội đã góp phần vào công tác giảm nghèo bằng cách hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế thông qua các mô hình: “Làm vườn kết hợp du lịch sinh thái”, “Tổ hợp tác trồng bông điên điển”, “Tổ hợp tác may công nghiệp”, “Tổ sản xuất trái cây sấy”, “Tổ liên kết đan võng”.

Thông qua các mô hình đã tạo việc làm cho nhiều lao động phụ nữ nông thôn, giúp các chị có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cuộc sống gia đình. Còn Hội Nông dân huyện thì tích cực tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm, UBMTTQVN huyện Châu Phú đã tổ chức tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, với số tiền hơn 6,1 tỷ đồng và thực hiện chăm lo, hỗ trợ kịp thời các trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật… với số tiền trên 16,8 tỷ đồng.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Phú Nguyễn Thành Niệm cho biết, trong các tháng đầu năm, phòng đã phối hợp Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện thực hiện mô hình “Tổ hợp tác áp dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp” tại xã Ô Long Vĩ. Thông qua mô hình nhằm trang bị kiến thức và hỗ trợ phương tiện phục vụ lao động, sản xuất nông nghiệp, giúp hộ nghèo, cận nghèo có phương tiện lao động, kiếm thêm thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Tham gia lớp tập huấn có 25 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương được hỗ trợ 5.000.000 đồng/người để mua máy phun thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật sửa chữa, vận hành máy, kỹ thuật phun thuốc. Dự kiến, mỗi hộ khi thực hiện mô hình sẽ kiếm thêm thu nhập bình quân từ 35-40 triệu đồng/năm.

Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, phương tiện sản xuất, các ban, ngành huyện Châu Phú còn chú trọng giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện có gần 2.700 lao động được giải quyết việc làm. Ngoài ra, các đơn vị còn kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bình Hòa tuyển dụng lao động thông qua hệ thống Đài Truyền thanh huyện; hỗ trợ Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng gặp gỡ tuyên truyền cơ hội việc làm cho người lao động ở 12 xã, thị trấn; hỗ trợ tư vấn, tuyên truyền tuyển lao động đi làm việc ở Nhật Bản…

Để kịp thời nắm bắt hoàn cảnh của người nghèo, cận nghèo tại địa phương, huyện Châu Phú chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách giảm nghèo ở các xã, thị trấn để hàng năm thực hiện nhiệm vụ rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên cơ sở bình xét của nhân dân, gắn kết công tác giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Nhờ đó, việc cập nhật, quản lý danh sách hộ nghèo, cận nghèo, cấp giấy chứng nhận được thực hiện kịp thời, đảm bảo hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

MỸ LINH