Châu Phú thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

13/11/2024 - 07:41

 - Tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, UBND huyện Châu Phú đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, trên địa bàn huyện phải có 7.388ha; đến năm 2030 có 22.983ha canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Thực hiện khâu đột phá về phát triển nông nghiệp do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Phú nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đến nay tại địa phương hình thành 10/14 vùng sản xuất tập trung. Huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi đồng bộ, hoàn chỉnh, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: Gạo, thủy sản và cây ăn quả, gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1ha diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện năm 2023 đạt 206 triệu đồng/ha, tăng 21 triệu đồng/ha so năm 2020.

Ngành nông nghiệp huyện Châu Phú vận động nông dân mạnh dạn tham gia đề án 1 triệu ha lúa

Để thực hiện hiệu quả đề án, UBND huyện Châu Phú đề ra 3 mục tiêu. Thứ nhất, hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững, nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Thứ hai, thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức nông dân, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn huyện, tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm. Thứ ba, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn huyện đến năm 2030.

Vụ sản xuất thu đông 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Phú chọn xã Thạnh Mỹ Tây thực hiện thí điểm 50ha áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. 16 hộ nông dân tham gia đề án được hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ lúa… Ông Phạm Văn Lộc chia sẻ: “Chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, như: Giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; áp dụng quy trình canh tác bền vững theo các tiêu chí đề án đưa ra”.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2024 - 2025), tập trung thực hiện ở các xã, thị trấn đã tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), dựa trên tiêu chí đăng ký tham gia đề án, các xã, thị trấn rà soát khu vực đủ tiêu chí để mở rộng diện tích lên 22.983ha, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Mục tiêu đề án đặt ra ở giai đoạn 2026 - 2030 là nông dân canh tác giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích tham gia đề án phải áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững (“1 phải, 5 giảm”, SRP, tưới ướt - khô xen kẽ), được cấp mã số vùng trồng. Song song đó, phấn đấu 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; hơn 11.494 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% lượng rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa trên 50%...

MỸ LINH