Châu Thành nỗ lực giảm nghèo bền vững

11/11/2021 - 07:55

 - Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Bên cạnh hỗ trợ vốn, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất - kinh doanh (SXKD), đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, địa phương còn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức vươn lên của người dân.

Những năm qua, huyện Châu Thành tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về giảm nghèo của Đảng, nhà nước, trọng tâm là các nội dung về phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập; tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm…

Ông Lê Văn Thanh (ngụ xã Bình Hòa) chia sẻ: “Được sự quan tâm chính quyền địa phương, nhà tôi được hỗ trợ vay vốn đầu tư máy móc để may mùng, áo gối. Nhờ đó, đời sống cải thiện hơn trước nhiều lắm. Khi cuộc sống ổn định, tôi cố gắng chăm lo cho 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”.

Hàng năm, các xã, thị trấn đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng. Từ đó, tìm giải pháp giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, như: xây dựng nhà ở; hỗ trợ vốn làm ăn; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng xã hội để thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ ứng dụng khoa học – kỹ thuật sản xuất nông nghiệp

Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những biện pháp giảm nghèo bền vững và hiệu quả, hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành liên quan khảo sát nhu cầu học nghề ở các địa phương và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để tham mưu mở những lớp dạy nghề phù hợp nhu cầu thực tế. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động SXKD trong Khu công nghiệp Bình Hòa. Thực hiện đồng bộ các chính sách về tín dụng, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng phù hợp của người dân.

Huyện Châu Thành tập trung triển khai Đề án “Phát triển giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2021” và xây dựng kế hoạch triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 110 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương; tư vấn, tuyên truyền về công tác dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động được 5 cuộc, với 251 lao động tham gia. Đồng thời, tổ chức tư vấn và giới thiệu 4 lao động đăng ký đi làm việc ở Nhật Bản; giới thiệu giải quyết việc làm cho 2.691 lao động, đạt 53,82% kế hoạch (1.230 lao động mới).

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Châu Thành Đoàn Hồng Danh cho biết, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo cho người nghèo, với nhiều hình thức, cách thức phù hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. 9 tháng của năm 2021, UBMTTQVN các cấp trên địa bàn huyện cùng các tổ chức thành viên đã vận động Quỹ Vì người nghèo - An sinh xã hội gần 6,4 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tài trợ tiền và hiện vật gần 23 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện và giúp đỡ các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và trong khu vực phong tỏa…

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai đến người dân, nhất là những hộ nghèo về các chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, để người dân hiểu và đồng tình tham gia thực hiện. Đồng thời, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm cổ vũ, động viên, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người dân.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả; tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Ngoài ra, quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, đạt hiệu quả. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU