Châu Thành tập trung phát triển du lịch sinh thái

27/04/2020 - 06:30

 - Những năm gần đây, huyện Châu Thành (An Giang) đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu… Song song đó, huyện có những định hướng phát triển du lịch (DL) sinh thái, DL canh nông gắn với DL tâm linh kết hợp tham quan các làng nghề, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Được thiên nhiên ưu ái, Châu Thành là nơi cuốn hút du khách, bởi những cánh đồng lúa bao la, những vườn cây ăn trái tươi tốt, trĩu quả. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, thưởng thức các loại trái cây dân dã, như: bưởi da xanh, cam, quýt đường, dừa xiêm, mận… cùng những món ăn đậm chất Nam Bộ, như: canh chua, cá kho tộ, lẩu mắm... Nắm bắt nhu cầu thích được trải nghiệm theo kiểu miệt vườn của du khách, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng… ứng dụng công nghệ cao kết hợp DL.

Thực tế cho thấy, với sự tham gia trực tiếp của nông dân đã góp phần đa dạng, phong phú cho các sản phẩm DL, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Đây là hướng đi mới, bước đầu đem lại thành công, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình này. Ông Phan Minh Mẫn (ngụ ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu) là một trong những nông dân đi đầu trong việc sản xuất nông nghiệp kết hợp DL. Hàng năm, vườn hoa của ông cung cấp ra thị trường hàng ngàn giỏ hoa các loại, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Dịp Tết cũng chính là thời điểm ông đón du khách đến vườn hoa tham quan, chụp ảnh, mua hoa và cây giống.

Vườn sinh thái Cô Hai

Chị Trần Thị Thanh (chủ vườn sinh thái Cô Hai, ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng) cho biết, sau 3 năm đầu tư trồng quýt đường và bưởi da xanh, chị quyết định đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết kế thêm các tiểu cảnh đón du khách đến tham quan, vui chơi, ăn uống. Do mở cửa đón du khách nên vườn cây ăn trái của chị Thanh hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm. “Sử dụng phân hữu cơ có ảnh hưởng đến năng suất nhưng tôi chấp nhận, vì sức khỏe của du khách. ngoài tham quan vườn, thưởng thức các món ăn đặc sản, mọi người có thể hái trái cây sạch ăn tại chỗ. Sắp tới, nếu được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ, tôi sẽ đầu tư thêm nhà lưới khoảng 500mđể trồng dưa lưới, cà chua bi để thu hút du khách đến tham quan” - chị Thanh chia sẻ.

Ngoài những vườn cây ăn trái, Châu Thành còn sở hữu “hòn ngọc xanh” nằm giữa dòng sông Hậu - cồn Bà Hòa (xã Bình Thạnh). Nhờ đất đai màu mỡ, cồn Bà Hòa được xem là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của huyện. Không khí trong lành, đường làng quê quanh co, với những ruộng rau xanh mướt đẹp mắt như mời gọi những ai yêu thích cảnh thiên nhiên sông nước đến tham quan, trải nghiệm.

Đến đây, bạn rất dễ bắt gặp đám trẻ con nô đùa hồn nhiên hay những nông dân chân chất, mến khách tưới rẫy cười tươi vẫy tay chào. Ngoài việc thưởng ngoạn nét hoang sơ để lưu lại những bức ảnh đẹp, bạn còn có thể tìm hiểu kỹ thuật canh tác hay thưởng thức món ăn dân dã, đặc sản của địa phương.

Đến cồn Bà Hòa, du khách trải nghiệm thu hoạch nông sản và trực tiếp nấu bắp cùng nông dân

Chị Nguyễn Thu Thủy (ngụ TP. Long Xuyên, An Giang) cho biết: “Tôi rất thích đến cồn Bà Hòa, bởi không khí nơi đây rất trong lành và nhiều cánh đồng rẫy rất đẹp, người dân nơi đây vô cùng thân thiện. Cồn Bà Hòa chỉ cách TP. Long Xuyên hơn 10km, nên nếu được đầu tư một vài địa điểm DL sinh thái, nơi đây chắc chắn sẽ thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Nguyễn Hồng Phúc cho biết, bên cạnh mời gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng sinh thái ở ấp Thạnh Hưng và cầu Bình Hòa - Bình Thạnh, xã phối hợp các ngành huyện hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát triển DL, đặc biệt là hình thành các điểm DL sinh thái, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Trường Huấn thông tin, huyện đang có những định hướng, kế hoạch phát triển DL phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương theo hướng kết hợp 3 loại hình: DL sinh thái, DL tâm linh, DL làng nghề. Bên cạnh đẩy mạnh quảng bá các điểm DL trên các phương tiện truyền thông, huyện tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ DL. Ngoài ra, huyện quan tâm hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất và xây dựng các điểm DL sinh thái. Đồng thời, tạo sự liên kết giữa các điểm DL và gắn kết các loại hình với nhau. Qua đó, từng bước hình thành các tour, tuyến DL đa dạng, thu hút du khách, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU