Hiện nay, tại Việt Nam, trà hoa vàng phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đang từng bước được mở rộng, cải tiến, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nhằm nâng tầm sản phẩm mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Từ cây rừng mọc hoang cho đến những trang trại hàng trăm héc ta
Theo ông Nịnh Văn Trắng, một chủ trang trại cây trồng tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, cây trà hoa vàng trước kia vốn là loài cây bản địa, mọc tự nhiên trong rừng, bên các khe, vách núi nhỏ. Có một thời điểm, các thương lái đến và tìm mua cây ráo riết. Bà con địa phương đi rừng về thường đào và bán với giá khoảng 1,5-2 triệu đồng/cây. Cây trà hoa vàng tự nhiên cứ thế ngày một ít đi và có nguy cơ biến mất.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của trà hoa vàng trong tương lai, người dân vùng Ba Chẽ đã nghiên cứu và tìm hiểu để nhân giống loại cây này với quy mô lớn. Tính đến đầu tháng 9/2022, tổng diện tích trồng trà hoa vàng của toàn huyện đã đạt khoảng 205ha, với khoảng 100ha cho thu hoạch. Trong đó, diện tích trà hoa vàng đã cho thu hoạch lá và hoa chiếm gần 50%, doanh thu từ cây trà hoa vàng hàng năm trên địa bàn huyện khoảng trên 20 tỷ đồng.
Trà hoa vàng, “thần dược” sức khỏe hay chỉ là lời đồn đoán?
Năm 2018, sản phẩm trà hoa vàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận và trở thành đề tài khoa học chính thức được đưa vào nghiên cứu.
Cũng không phải tự nhiên mà mỗi kg trà hoa vàng có giá lên đến vài chục triệu đồng. Theo Camellia International Journal - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất trong trà có khả năng kiềm chế đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, đồng thời ức chế sự sinh trưởng của các khối u. Ngoài ra, uống trà hoa vàng thường xuyên còn giúp làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch, điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu...
Theo một nghiên cứu khác của Trường Đại học Dược Hà Nội, trong lá và hoa của cây trà hoa vàng chứa hơn 400 thành phần dưỡng chất. Các chất này bao gồm hàng chục loại axit amin khác nhau cùng rất nhiều nguyên tố vi lượng Ge, Mo, Zn... lành tính không chứa độc, có tác dụng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật.
Phát triển vùng nguyên liệu hướng đến mục tiêu xuất khẩu quốc tế
Như vậy, sau nhiều năm phát triển, từ một loài cây thảo dược mọc tự nhiên trong rừng, đến nay trà hoa vàng đã trở thành một loại Trà thảo mộc đạt tiêu chuẩn OCOP mang thương hiệu Ba Chẽ nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Việc đầu tư về nguồn nguyên liệu, vùng trồng trọt chất lượng cao cho sản phẩm này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả địa phương trong tương lai.
Để thúc đẩy hơn nữa dự án trồng cây trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đã tập trung củng cố và xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư máy móc và các trang thiết bị hiện đại, hệ thống tưới phun sương thoát nước quy mô lớn; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân.
Đồng thời, huyện cũng kêu gọi mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư; vận dụng và mở ra các cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã thu hút được lượng lớn các doanh nghiệp vào xây dựng dự án, đầu tư phát triển, nâng cấp chung hệ thống cấy trồng và thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh trên thị trường, hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế.
Bài, ảnh: P.V