Đầu năm nay, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng vẫn còn khá cao, dao động trên 10 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, ở phiên 3/1, giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 61,9-62,95 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi giá vàng miếng SJC trong phiên này được giao dịch ở mức giá 72-75 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Như vậy, giá vàng nhẫn SJC trong phiên giao dịch đầu năm thấp hơn 10,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 12,05 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với giá vàng miếng SJC.
Tới phiên giao dịch 3/6 (ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng miếng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC), giá vàng trong nước giảm mạnh. Ở phiên này, có thương hiệu giảm giá vàng nhẫn tới 700 nghìn đồng/lượng, giá vàng miếng giảm tới hơn 3 triệu đồng mỗi lượng.
Cuối phiên 3/6, giá vàng nhẫn 9999 loại 1-5 chỉ của SJC được mua - bán ở mức 73,4-75 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 77,98-79,98 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng nhẫn tăng cao. Ảnh: Chí Hiếu
Khoảng cách giữa giá vàng miếng và vàng nhẫn trong phiên 3/6 đã được thu hẹp. Giá hai loại vàng này tại SJC ở phiên này chỉ còn cách nhau 4,58 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 4,98 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Đến phiên giao dịch cuối tuần này (6/7), giá vàng nhẫn trong nước tăng vọt theo giá thế giới, có thương hiệu đắt thêm hơn nửa triệu đồng sau một đêm, tiến sát mốc 77 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn 9999 tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji lên vùng giá 75,65-76,95 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với mức đóng cửa phiên trước đó.
Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng nâng mạnh giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long lên mức 75,38-76,68 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với kết phiên trước.
Còn SJC niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 74,6-76,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán so với chốt phiên thứ Sáu.
Giá vàng nhẫn tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) được giao dịch ở mức 74,6-76,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với mức chốt hôm trước.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn "bất động" trong nhiều ngày. Các doanh nghiệp vàng lớn như SJC, Doji, PNJ ngày 6/7 đều niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức giá 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Với diễn biến này, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng đã được rút ngắn đáng kể, có thương hiệu giá vàng nhẫn ngang bằng với giá vàng miếng.
Giá vàng nhẫn tại SJC hiện chỉ kém giá vàng miếng của thương hiệu này 380 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và thấp hơn 780 nghìn đồng/lượng ở chiều bán.
Tại PNJ, giá vàng nhẫn chỉ còn thấp hơn 380 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và kém hơn 880 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với vàng miếng.
Ở những doanh nghiệp vàng khác, vàng nhẫn lên ngang giá vàng miếng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn bằng giá vàng miếng của thương hiệu này.
Tại Doji, giá vàng nhẫn tròn trơn thậm chí còn cao hơn giá vàng miếng 670 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và chỉ thấp hơn 30 nghìn đồng/lượng ở chiều bán.
Như vậy, từ mức chênh hơn 10 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn tròn trơn và vàng miếng trong nước hiện đã xấp xỉ nhau.
NHNN nhiều lần khẳng định đủ quyết tâm và nguồn lực để ổn định thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Từ đầu tháng 6, NHNN tăng cung vàng miếng ra thị trường, thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng quốc doanh và SJC. Nhà quản lý ấn định giá bán vàng miếng ra thị trường bằng cách quy định biên độ 1 triệu đồng so với giá các đơn vị này mua từ NHNN.
Trong cuộc họp của NHNN vào cuối tháng 6, các đơn vị bán vàng miếng cho biết sẽ cải tiến quy trình, công nghệ để tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu thực, loại bỏ đầu cơ.
Theo HẠNH NGUYÊN (Vietnamnet)