Chỉ dấu nguy cơ khí hậu từ dải băng Greenland

24/08/2021 - 16:02

Ngày 23-8, các nhà khoa học cho biết hiện tượng mưa lần đầu tiên xuất hiện tại đỉnh cao nhất trên dải băng ở Greeland được quan sát gần đây nhiều khả năng là do tình trạng biến đổi khí hậu.

Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland. Ảnh tư liệu: AFP-TTXVN

Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết Mỹ (SIDC) trên đỉnh dải băng đã quan sát được trận mưa ở đây vào ngày 14-8. Trận mưa hiếm có này làm tan một lượng băng đáng kể ở đỉnh và dọc rìa phía Đông Nam của dải băng cuối tuần qua. Để mưa rơi, nhiệt độ phải ở mức trên dưới ngưỡng 0 độ C. Vì vậy, đây là dấu hiệu cho thấy nhiệt độ tăng đang đặt ra nguy cơ cho dải băng lớn thứ hai thế giới này, sau Nam Cực. 

Đây là lần thứ 3 trong một thập kỷ qua các nhà nghiên cứu đo được nhiệt độ trên mức đóng băng tại vị trí này. Nhiệt độ ấm lên đã dẫn tới trận mưa lớn, ước tính trút xuống mặt băng 7 tỷ tấn nước. Trận mưa hiếm có này cũng làm tan một lượng băng đáng kể ở đỉnh và dọc rìa phía Đông Nam của dải băng cuối tuần qua. Theo trung tâm trên, lượng băng tan ghi nhận ngày 15-3 cao gấp 7 lần so với lượng băng tan trung bình mỗi ngày ghi nhận hằng năm.

Nhà nghiên cứu Martin Stendel, tại Viện Khí tượng Đan Mạch, cho biết: “Đây là một sự kiện cực đoan vì chưa bao giờ xảy ra trước đây. Đây có thể là dấu hiệu của sự nóng lên toàn cầu”.  Theo ông, nhiệt độ tăng trên mức đóng băng ở đỉnh của dải băng này chỉ xảy ra 9 lần trong 2.000 năm qua. Riêng trong một thập kỷ gần đây, có 3 lần nhiệt độ tăng trên mức đóng băng, trong đó hai lần gần đây nhất xảy ra vào năm 2012 và 2019, khi đó không có mưa.

Hiện tượng mưa hôm 14-8 đã xảy ra sau một mùa Hè mà khu vực Bắc Greenland đã chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục, hơn 20 độ C. Đợt nóng này đã khiến băng tan nhanh hơn. Trận mưa xảy ra chỉ vài tuần sau khi khu vực này ghi nhận tình trạng tan băng nghiêm trọng vào cuối tháng 7, có ngày chứng kiến hơn 8 tỷ tấn băng bề mặt biến mất.

Dải băng Greenland trải dài trên vùng có diện tích khoảng hơn 1.699 km2 thường mở rộng hoặc thu hẹp hằng năm như một sự thay đổi tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng ấm lên toàn cầu được cho là khiến băng tan với tốc độ nhanh hơn. Hiện tượng băng tan khiến các nhà khoa học rất lo ngại, khi mức độ nóng lên ở vùng cực này diễn ra nhanh hơn mức trung bình trên toàn thế giới. Với một khu vực có diện tích lớn gấp 3 lần nước Pháp, dải băng ở Greenland có chứa đủ lượng nước để làm mực nước biển dâng cao 7 m. Theo một nghiên cứu của châu Âu công bố hồi tháng 1, băng tan ở Greenland dự báo sẽ khiến mực nước biển toàn cầu tăng 10-18 cm vào năm 2100, tức là nhanh hơn 60% so với ước tính trước đó.

Theo BÍCH LIÊN (Báo Tin Tức)