Về cù lao Bình Thủy, không khó để bắt gặp những cánh đồng rau màu xanh mát tầm mắt. Người dân Bình Thủy vốn chân chất, hiền hòa đã gắn chặt với việc canh tác hoa màu hơn 30 năm nay. Là dân trồng rẫy kỳ cựu ở Bình Thủy, ông Nguyễn Thành Nên không thể quên được thời điểm người dân nơi đây chuyển sang canh tác rau màu.
“Trước đây, nông dân Bình Thủy cũng trồng lúa để có cái ăn. Tuy nhiên, vì đất chật người đông, nên việc canh tác ruộng lúa không phù hợp. Trong khi đó, sản xuất rau màu không cần diện tích quá lớn, nhưng nếu trúng giá thì lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Do đó, dân Bình Thủy cũng tự chuyển sang trồng màu để phù hợp với điều kiện tự nhiên” - ông Nên nhớ lại.
Trong trí nhớ của lão nông này, Bình Thủy được xác định là vùng chuyên canh màu từ những năm 2000. Bước đầu, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang quy hoạch để nông dân trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Những năm tiếp theo, Bình Thủy chuyển sang “2 màu, 1 lúa” và tiến tới hình thành vùng chuyên canh màu cho đến nay.
Theo hướng chỉ tay của ông Nên, tôi thấy những mảng xanh nối dài trong tầm mắt với đủ các loại rau: Cải xanh, hành, hẹ, đậu bắp, dưa leo, đậu nành rau và đặc biệt là củ cải trắng. Với đặc thù địa hình cù lao, nguồn nước cung cấp cho nông dân trồng rẫy ở Bình Thủy khá dồi dào, đó lại là “con nước bạc” nên chất đất màu mỡ quanh năm. Bên cạnh đó, trình độ canh tác hoa màu của nông dân Bình Thủy khá chuyên nghiệp, nên sản lượng cung cấp ra thị trường dồi dào.

Nông dân ở cù lao Bình Thủy gắn bó với cây màu gần 30 năm qua
“Bạn hàng từ Chợ Mới, Phú Tân, Long Xuyên hay Châu Đốc cũng xuống đây gom rau màu để bán ở các nơi trong, ngoài tỉnh An Giang, ra tận TP. Hồ Chí Minh. Nông dân chúng tôi hay đùa với nhau câu nói “Một công rẫy bằng bảy công lúa”, vì nguồn thu của cây màu nếu trúng giá thật sự rất tốt. Nhiều gia đình cũng nhờ cây màu mà cuộc sống đỡ hơn, dù diện tích đất không quá lớn. Hơn nữa, xứ cù lao này tổng diện tích đất canh tác chỉ vài trăm héc-ta, việc trồng lúa cũng không mang lại giá trị kinh tế bao nhiêu” - ông Nên phân tích.
Nhiều năm qua, nông dân Bình Thủy tích cực tham gia học hỏi kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây màu. Một số nông dân tham gia vào hợp tác xã để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc canh tác hoa màu. Ông Nguyễn Trung Tào, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lợi Phát cho hay, hợp tác xã hiện có 35 thành viên tham gia, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác các loại rau màu và thông tin giá cả, thị trường. Hợp tác xã dự định làm đầu mối thu mua rau màu của xã viên, để phân phối ra thị trường.
“Nông dân trồng rẫy cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về đầu ra nông sản. Về kỹ thuật, chúng tôi có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhưng vẫn chưa có nơi tiêu thụ ổn định. Trong khi rau màu là loại phải tiêu thụ sớm, không thể tồn trữ lâu ngày” - ông Tào chia sẻ.
Hiện nay, một số nông dân Bình Thủy liên kết với công ty để canh tác theo “đơn đặt hàng”, nhưng số lượng không nhiều và thiếu tính bền vững. Do đó, ông Tào cũng như những nông dân khác rất mong được ngành chuyên môn, địa phương có biện pháp hỗ trợ đầu ra, giúp họ yên tâm sản xuất. Việc nông dân chỉ biết trông vào thương lái khiến họ chịu nhiều thiệt thòi, bởi qua nhiều khâu trung gian mới đưa rau màu đến người tiêu dùng.
Định hướng tháo gỡ khó khăn cho cây màu Bình Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Huỳnh Tấn Hưng thông tin Bình Thủy từng được quy hoạch là vùng chuyên canh màu, với diện tích hơn 500ha. Mục tiêu là hình thành vùng sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ của doanh nghiệp. Vì nhiều yếu tố, công tác này chưa đạt kết quả như mong muốn.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay đã mở ra hướng phát triển cho rau màu ở Bình Thủy. Chúng tôi sẽ phát triển trở lại vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại xứ cù lao, nhằm khẳng định thương hiệu cho rau màu Bình Thủy. Sau sáp nhập 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang, việc tiêu thụ rau màu sẽ thuận lợi hơn, bởi địa giới hành chính của tỉnh An Giang mới bao gồm các vùng biển đảo. Khi đó, việc kết nối tiêu thụ rau màu trong tỉnh sẽ dễ dàng hơn so trước đây, giúp nông dân Bình Thủy có được đầu ra ổn định, thông qua hỗ trợ của địa phương và ngành chuyên môn trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Huỳnh Tấn Hưng nhấn mạnh.
THANH TIẾN