An Giang là tỉnh có thế mạnh sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Đội ngũ cán bộ khuyến nông trong tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối vững chắc, đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ KHKT, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.
Anh Nguyễn Văn Long Hồ, cán bộ khuyến nông xã Hòn Đất có gần 15 năm gắn bó với đồng ruộng và nông dân. Dáng người gầy gò, làn da đen sạm vì nắng gió, đôi dép lấm đầy bùn đất của anh Hồ đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với bà con nông dân khi anh đi thăm đồng. Vào mùa vụ sản xuất, công việc của cán bộ khuyến nông cơ sở lại càng vất vả hơn. Anh thường xuyên đến cơ sở, từng ấp, từng hộ nông dân để hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh và áp dụng các mô hình sản xuất mới. Với giọng nói mộc mạc, dễ nghe và kiến thức vững vàng, các kỹ thuật sản xuất mới qua sự hướng dẫn của anh trở nên dễ hiểu, dễ làm hơn đối với nông dân.
Theo anh Hồ, KHKT ngày càng phát triển và có nhiều đổi mới, trong khi nông dân vẫn chưa nắm bắt kịp thời, cán bộ khuyến nông phải trực tiếp xuống tận nơi để hướng dẫn bà con. “Đặc biệt, những ngày thời tiết thất thường, mưa bão, tôi vẫn phải lội ruộng, đi từng cánh đồng để kiểm tra, hướng dẫn từng chút một” - anh Hồ chia sẻ.
Nhờ sự tận tâm của anh Long, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn từ bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển sang áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giảm phát thải khí nhà kính, gieo sạ đồng loạt tập trung, giảm lượng lúa giống, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bón phân cân đối theo nguyên tắc “4 đúng”, quy trình siết nước ngập khô xen kẽ… góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.

Cán bộ khuyến nông cùng nông dân xã Mỹ Thuận trao đổi kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Ông Danh Sương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất cho biết, trước đây nông dân chỉ gieo sạ lúa theo tập quán truyền thống: Sạ dày, bón phân, phun thuốc theo cảm tính. Nhờ có cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới như giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nông dân vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, lúa vừa đạt năng suất cao. “Ruộng có sâu bệnh, nông dân gọi là có cán bộ khuyến nông xuống tận ruộng xem, hướng dẫn cách xử lý ngay” - ông Sương nói.
Để nông dân có thể “mắt thấy, tai nghe” hiệu quả của những kỹ thuật mới trong sản xuất, cán bộ khuyến nông cơ sở còn tích cực vận động nông dân tham gia nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất về lúa, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Với 20 năm công tác trong ngành khuyến nông, anh Danh Nhiệt (cán bộ khuyến nông tỉnh) đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và mô hình trình diễn nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Các mô hình do anh trực tiếp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật đã được nhân rộng trên toàn tỉnh như: Nuôi cá lồng bè bằng lồng nhựa HDPE; nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao đạt chuẩn VietGAP, Global GAP, ASC; nuôi ốc hương; nuôi cua trong hộp nhựa… giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Nhiệt còn làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân nuôi trồng thủy sản để thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng nuôi… “Tôi luôn mong nông dân được trúng mùa, được giá, có thu nhập và đời sống tốt hơn. Điều khiến tôi vui nhất không phải là lúc được khen thưởng, mà là khi nông dân tin, chịu làm theo và chịu thay đổi thói quen trong sản xuất, nhất là nghe được tin bà con trúng mùa. Khi nông dân áp dụng thành công các mô hình, kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại lợi nhuận cao, tôi mừng lắm” - anh Nhiệt chia sẻ.
Theo anh Nhiệt, thời gian qua, cán bộ khuyến nông làm việc hết sức, cống hiến hết mình. Nhưng thực tế công việc của họ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn phương tiện, chế độ hỗ trợ còn thấp… “Tôi mong rằng các cấp, ngành Trung ương, tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ tốt hơn để cán bộ khuyến nông cơ sở có điều kiện làm việc, có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nông dân” - anh Nhiệt bày tỏ.
THÙY TRANG