Đến thời điểm tháng 5/2023, Việt Nam đã được UNESCO công nhận:
8 Di sản Thế giới,
15 Di sản Văn hóa Phi vật thể,
9 Di sản Văn hóa Tư liệu,
11 Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới,
3 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO
9 Khu Ramma
Ngoài ra còn có các Danh hiệu khác như: Thành phố Sáng tạo, Thành phố Học tập Toàn cầu...
9 khu Ramsar Thế giới của Việt Nam
Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar- là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước Ramsar, được ký năm 1971 tại thành phố Ramsar (Iran).
Công ước có tên tiếng Anh The Convention on Wetlands of International Importance, especially as Waterfowl Habitat (Công ước về các Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước Ramsar ra đời với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.
Công ước Ramsar được quản lý bởi một Ban Thư ký độc lập (Văn phòng Ramsar) đặt tại trụ sở của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ở Thuỵ Sỹ. Cơ quan ra quyết định chính là Hội nghị các Bên, họp 3 năm một lần. Các tổ chức quốc tế như BirdLife International, IUCN, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF International), cũng góp phần hỗ trợ bằng việc cung cấp tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia, giúp thực hiện các nghiên cứu và hỗ trợ tài chính.
Rạn san hô tại Vườn Quốc gia Côn Đảo - Khu Ramsar được công nhận năm 2014. (Ảnh: TTXVN phát)
Tính đến tháng 8 năm 2022, có 171 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước với 2.471 khu Ramsar trên khắp thế giới có diện tích 255.792.244 ha.
Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989, là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này.
Tính đến năm 2019, Việt Nam có 9 khu Ramsar của thế giới, gồm:
1-Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Nam Định
2-Vùng đất ngập nước Bầu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai|
3- Hồ Ba Bể - Bắc Kạn
4-Vườn Quốc gia Tràm Chim- huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (2012)
5-Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - huyện Ngọc Hiển, Cà Mau (2013)
6-Vườn Quốc gia Côn Đảo (2014)
7-Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen- tỉnh Long An (2015)
8-Vườn Quốc gia U Minh Thượng- Kiên Giang (2016)
9-Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - Ninh Bình (2019)
11 Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới ở Việt Nam
Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động-thực vật độc đáo, phong phú đa dạng.
Theo quy định, Khu Dự trữ Sinh quyển phải đạt được 7 tiêu chí: có các hệ sinh thái đại diện vùng địa lý sinh học; có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội cho phát triển bền vững vùng; có diện tích đủ lớn; thực hiện đầy đủ 3 chức năng (bảo tồn, phát triển và trợ giúp); có sự tham gia của cộng đồng; có cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng.
Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái trong cụm du lịch Khu Dự trữ Sinh quyển Núi Chúa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Hiện thế giới có 727 Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới tại 131 nước, chiếm gần 5% diện tích trên Trái Đất.
Tại Việt Nam hiện có 11 Khu Dự trữ Sinh quyển được UNESCO ghi danh là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, kể từ năm 2000.
Cụ thể:
1- Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. HCM- công nhận năm 2000)
2- Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai (Đồng Nai- công nhận năm 2011)
3- Khu Dự trữ Sinh quyển Cát Bà (TP. Hải Phòng- công nhận năm 2004)
4- Khu Dự trữ Sinh quyển Châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình-công nhận năm 2004).
Khu Dự trữ Sinh quyển Châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là Khu Dự trữ Sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới này chứa đựng những hoạt động kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu với các kiểu sinh cảnh chủ yếu như: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao … Khu Dự trữ Sinh quyển Châu thổ sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và tắm biển.
5- Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, 2006
6- Khu Dự trữ Sinh quyển miền tây Nghệ An, 2007.
7- Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau, 2009
8- Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm, 2009
9- Khu Dự trữ Sinh quyển Langbian, 2015
10- Khu Dự trữ Sinh quyền Núi Chúa, 2021
11- Khu Dự trữ Sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, 2021
3 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO
Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang
Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam và thứ 2 ở Đông Nam Á được UNESCO công nhận vào 3/10/2010.
Thác nước Bản Sầm ở thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa- Công viên Địa chất Toàn cầu được công nhận tháng 4/2018. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2014 và năm 2019, UNESCO tái công nhận nơi đây là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu giai đoạn 2015-2018 và 2019-2022.
Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng
Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào tháng 4/2018, công viên có diện tích gần 50% diện tích toàn tỉnh Cao Bằng.
Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông
Công viên Địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015, có 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các thác nước, miệng núi lửa… được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào tháng 7/2020.
9 Di sản Văn hóa Tư liệu: 9 Di sản Tư liệu được UNESCO vinh danh (bao gồm 3 Di sản Tư liệuThế giới và 6 Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).
Di sản Tư liệu Thế giới (3)
1- Mộc bản triều Nguyễn (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt-Lâm Đồng), được UNESCO công nhận năm 2009 trong "Chương trình Ký ức Thế giới"
2- Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), được UNESCO công nhận năm 2011 trong "Chương trình Ký ức Thế giới"
3- Châu bản triều Nguyễn ( Trung tâm Lưu trữ quốc gia I-số 18 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), được UNESCO công nhận năm 2017 trong "Chương trình Ký ức Thế giới"
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), được UNESCO công nhận năm 2011 trong "Chương trình Ký ức Thế giới" (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (6)
1- Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012)
2- Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được công nhận năm 2016
3- Mộc bản trường học Phúc Giang (được công nhận năm 2016)
4- Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) (được công nhận năm 2018)
5- Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (được công nhận năm 2022)
6-Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) (được công nhận năm 2022)
8 Di sản Thế giới của Việt Nam
Trong 8 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận có 5 Di sản Văn hoá; 2 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Hỗn hợp
5 Di sản Văn hoá gồm:
1- Quần thể di tích Cố đô Huế, (UNESCO công nhận năm 1993)
2- Phố cổ Hội An (UNESCO công nhận năm 1999)
3- Thánh địa Mỹ Sơn (UNESCO công nhận năm 1999)
4- Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (UNESCO công nhận năm 2010)
5- Thành nhà Hồ (UNESCO công nhận năm 2011);
Di tích Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa Thế giới, được UNESCO công nhận năm 2011,
2 Di sản Thiên nhiên gồm:
1-Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (UNESCO công nhận năm 2003 và tái công nhận 2015)
2- Vịnh Hạ Long (UNESCO công nhận năm 1994, tái công nhận 2000; 2011);
1 Di sản Hỗn hợp:Quần thể Danh thắng Tràng An (UNESCO công nhận năm 2014).
Đây cũng là Di sản Hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, và là một trong số ít 38 Di sản Hỗn hợp trên Thế giới được UNESCO công nhận.
15 Di sản Văn hóa Phi vật thể
Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam có 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO tôn vinh, gồm:
1- Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ
2- Nhã nhạc Cung đình Huế
3- Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
4- Dân ca Quan họ Bắc Ninh
5- Ca Trù
6- Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng
7- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
8- Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ
9- Hát Ví-Giặm Nghệ Tĩnh
10- Nghi lễ và trò chơi kéo co
11- Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ
12- Hát Xoan ở Phú Thọ
13- Thực hành Then Tày, Nùng, Thái
14- Nghệ thuật Xòe Thái
15- Nghề làm Gốm của người Chăm
Nghệ thuật Xòe Thái - Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại được UNESCO ghi danh năm 2021 (Ảnh: TTXVN phát)
Trong số 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam được ghi danh, có 14 Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại và 1 Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được Bảo vệ khẩn cấp là Nghệ thuật Ca trù.
Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khởi xướng năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững.
Hiện nay, Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO gồm 246 thành phố, trong đó Đông Nam Á có hơn 10 Thành phố Sáng tạo.
Vào năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo.
Thành phố Học tập Toàn cầu (GNLC)
Việt Nam có 5 trên tổng số 294 thành phố từ khắp nơi trên thế giới được UNESCO công nhận là thành viên "Mạng lưới các Thành phố Học tập Toàn cầu" gồm TP Cao Lãnh, TP.HCM, TP Hải Dương, TP Sa Đéc và TP Vinh.
Theo Vietnamplus