Chia sẻ nguồn nước vùng ĐBSCL để phát triển bền vững

21/03/2024 - 11:09

 - Sáng 21/3, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Tô Hoàng Môn chủ trì Hội thảo “Quản lý, chia sẻ nguồn nước bền vững lưu vực sông Mekong ĐBSCL”, nhằm hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3).

Các đại biểu dự hội thảo

PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ tại hội thảo

TS Lê Phát Quới trao đổi tại hội thảo

Các đại biểu thể hiện quyết tâm bảo vệ tài nguyên nước

Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Liên đoàn Điều tra tài nguyên nước miền Nam; Trường Đại học Cần Thơ; Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái (CESE) TP. Hồ Chí Minh; Nhóm công tác Kỹ thuật quản lý nước tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang; đại diện các sở, ngành tỉnh An Giang và  các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham dự.

Chia sẻ thông điệp của Ngày Nước thế giới năm 2024 và các vấn đề liên quan nguồn nước sông Mekong, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, Liên Hiệp Quốc đã chọn chủ đề “Nước cho Hòa bình” (Water for Peace) cho Ngày Nước thế giới 2024 (World Water Day 2024), vì hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đều nhận thức từ thực tế rằng, nước có thể tạo ra hòa bình khi có sự chia sẻ hoặc châm ngòi cho các xung đột do tranh giành quyền kiểm soát nguồn nước từ mức độ xuyên biên giới, đến cấp vùng hoặc địa phương.

Việt Nam có nguồn nước ngọt khá phong phú nhưng lại là một trong những quốc gia sử dụng nước kém hiệu quả nhất hiện nay. Trong mối quan hệ 3 trọng tâm là nước - lương thực - năng lượng, nước vận hành hợp lý và quản lý công bằng sẽ  bảo đảm hệ thống sản xuất lương thực, năng lượng, năng suất kinh tế quốc gia cũng như tính toàn vẹn của môi trường, hệ sinh thái khu vực, sức khỏe cộng đồng và sự thịnh vượng của xã hội. Do vậy, cần có cơ chế chia sẻ nguồn nước hợp lý ở vùng ĐBSCL, phát huy truyền thống chia sẻ của người dân vùng đất này từ thời khai hoang mở đất.

Trao đổi về sử dụng tài nguyên nước hiệu quả đối với sử dụng đất đai, TS Lê Phát Quới (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái TP. Hồ Chí Minh; chuyên gia vùng của Global Environment Centre (GEC), KL, Malaysia) cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng bản đồ về tính chất đất đai của từng vùng đất, khu vực cụ thể của ĐBSCL. Mỗi loại đất có tính chất giữ nước, hiệu quả sử dụng nước khác nhau. Từ đó, có kế hoạch phân bổ nguồn nước, cách thức trữ nước, tưới tiêu hiệu quả, phù hợp với từng vùng đất, phục vụ sản xuất và sinh kế của người dân.

Đại diện cho Liên đoàn Điều tra tài nguyên nước miền Nam, ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ bài học kinh nghiệm triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang. Đây là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững. Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã trao đổi, thảo luận về công tác quản lý tài nguyên nước gắn với mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiệu quả sử dụng nước ở ĐBSCL hiện chưa cao, đối mặt nhiều nguy cơ, bất cập. Do đó, cần có hành động thống nhất về cách thức chia sẻ, sử dụng nguồn nước ngọt hiệu quả, “thuận thiên”, không đánh đổi phát triển với khai thác nguồn nước quá mức, thiếu bền vững.

NGÔ CHUẨN