Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tình hình xuất khẩu năm 2022 của tỉnh tăng trưởng khá so cùng kỳ về sản lượng và kim ngạch. Các doanh nghiệp (DN), nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Thương mại biên mậu hoạt động thông suốt. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục tăng cường, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới và khó tính, cho thấy sản phẩm xuất khẩu của tỉnh dần cải thiện về chất lượng, mẫu mã. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,15 tỷ USD (tăng 1,14% so cùng kỳ).
Xây dựng vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh trong năm 2022, như: Xuất khẩu gạo đạt 538.000 tấn, tương đương 290 triệu USD (tăng 3,79% sản lượng và 3,17% kim ngạch so cùng kỳ). Xuất khẩu gạo có tín hiệu khả quan từ nhu cầu nhập khẩu của: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Ghana, Australia… Xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 162.000 tấn, tương đương 380 triệu USD, tăng 1,59% về sản lượng và tăng 2,03% về kim ngạch so cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc (quần áo, ba-lô...) tiếp tục tăng trưởng mạnh ở thị trường Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 154 triệu USD (tăng 9,14% so cùng kỳ).
Ông Trần Anh Thư thông tin, đến nay, Việt Nam có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ở cả cấp độ song - đa phương và đang trong quá trình đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do, qua đó thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, như: Cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các quốc gia, dịch bệnh toàn cầu làm cho các quốc gia điều chỉnh chính sách xuất, nhập khẩu, xu thế bảo hộ thương mại thông qua các hàng rào phi thuế quan… đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Thực hiện tốt khâu bảo quản sau thu hoạch nhằm tạo giá trị khác biệt cho hàng nông sản
Trước tình hình này, An Giang tiếp tục xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu... Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các DN còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các DN sản xuất chính.
Hướng đến phát triển bền vững
Tỉnh hướng đến mục tiêu hoạt động xuất, nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt và vượt 5%/năm. Hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới.
Tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, như: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn; hoàn thiện thể chế tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các DN hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm, để phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng liên kết chuỗi giá trị với các DN xuất, nhập khẩu.
Đồng thời, lựa chọn một số sản phẩm nông sản chất lượng cao thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của từng địa phương để hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu. Thúc đẩy nghiên cứu phát triển giống mới, ứng dụng công nghệ trong lai tạo giống sản phẩm mới, đặc thù, trong bảo quản sau thu hoạch nhằm tạo giá trị khác biệt cho hàng nông sản, tạo ưu thế riêng trong xuất khẩu.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân thông tin, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp các ngành liên quan triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Thực hiện cơ chế, chính sách, tăng cường mời gọi DN đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là một số lĩnh vực xuất khẩu quan trọng, như: Nông-thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí… Trong đó, tập trung then chốt vào các lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch nông - thủy sản…
Năm 2023, An Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,17 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường, nhất là đối với các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Tập trung phát triển hệ thống logistics An Giang. Tăng cường kết nối với các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan ngoại giao để hỗ trợ các DN xuất khẩu của tỉnh
|
THU THẢO