Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội “Bến Tre Đồng khởi - Khởi nghiệp” năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Dấu ấn của Chính phủ kiến tạo
Năm 2017, Chính phủ đã đặt trọng tâm và chỉ đạo thường xuyên, tạo áp lực hành chính với các bộ, ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh. Ngay từ đầu năm, việc triển khai hai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (2017) và Nghị quyết 35 (2016) về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiếp tục được triển khai rốt ráo.
Trái với lo ngại “đánh trống bỏ dùi”, chính quyền các cấp thực sự bắt tay vào hành động, và đã đạt những thành công đáng khích lệ. Chính phủ kiến tạo thể hiện rõ bằng hành động nói đi đôi với làm và năm 2017 đã chứng kiến rõ điều này thông quan hành động của người đứng đầu Chính phủ.
Bên cạnh 2 lần đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp là hàng chục cuộc gặp xúc tiến đầu tư trên cả nước do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo. Tại các cuộc gặp gỡ, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho việc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh. Nghị quyết xác định việc “bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng” là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chính phủ giao các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2017 cũng làm năm đầu tiên, Chính phủ áp đặt cơ chế đối thoại với doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ yêu cầu các địa phương phải ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp với những tiêu chí cụ thể. Chính phủ đã ban hành 50 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh bất chấp nhiều ý kiến đề nghị xin lùi lại của các bộ, ngành. Những hành động cụ thể trên cho thấy một quyết tâm xóa hơn 3.400 điều kiện kinh doanh đang đi vào thực chất. Tất cả những thông điệp, hành động đó đã xốc lại tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của người dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã tích cực xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó có các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, với những hỗ trợ về cơ chế, chính sách để mở đường cho cộng đồng khởi nghiệp phát triển.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Ngô Đông Hải trao giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2017 cho Dự án “Trang trại gà H’mông Yên Bái” của nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Theo ông Vương Công Văn, thành viên Hội doanh nhân trẻ Hà Nội, sự tích cực vào cuộc của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã làm giảm đi sự phiền hà do các cơ quan nhà nước gây ra. Đây là một tin vui lớn với cộng đồng doanh nghiệp nhất là cộng động khởi nghiệp.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những rào cản đang dần được loại bỏ. Cách tiếp cận đồng hành, kiến tạo phát triển doanh nghiệp đang dần lan tỏa trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.
Tháng 9/2017, Bộ Công Thương công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng số các điều kiện đang tồn tại, mức lớn chưa từng có trong lịch sử ngành này, kéo theo động thái tương tự của hàng loạt bộ, ngành khác thời gian ngay sau đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh, chiếm 34,2% các điều kiện kinh doanh đang quản lý. Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (chiếm 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát để sửa đổi, bãi bỏ 44% điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường… Cam kết về một Chính phủ “hành động và phục vụ” trở nên rất rõ nét.
Những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ có thể chưa tạo ra ngay được cú hích cho nền kinh tế. Nhưng về dài hạn, đây chắc chắn là một bước đi vô cùng tích cực và tạo hiệu ứng tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc tích cực xóa bỏ hơn 3.400 điều kiện kinh doanh sẽ khiến môi trường kinh doanh ở Việt Nam minh bạch hơn, tránh tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng điều kiện kinh doanh để làm khó doanh nghiệp hoặc trục lợi. Ngoài ra, việc dỡ bỏ các điều kiện không cần thiết chứng tỏ tư duy quản trị nhà nước mới theo hướng “kiến tạo”: nhấn mạnh vào các cơ chế “hậu kiểm”, vận dụng tích cực vai trò của người dân và thị trường trong công tác giám sát, thay vì quản lý “đầu vào” theo cách vẫn được thực hiện từ xưa đến nay.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm sắp tới để tiếp tục bước theo đà cải cách theo tinh thần chính phủ kiến tạo, nhưng sự khởi đầu như vậy đang là khích lệ lớn cho cộng đồng khởi nghiệp.
“Bùng nổ” doanh nghiệp khởi nghiệp
Nghệ nhân trẻ Khưu Tấn Bửu, một trong hai nhân vật “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” của Cần Thơ được thành phố vinh danh năm 2017. Tấn Bửu khởi nghiệp với mô hình làm tranh, chữ thư pháp từ gạo rang. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN
Sự nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, đã mở đường cho phong trào khởi nghiệp. Chính phủ kiến tạo đã và đang sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới và khởi nghiệp cũng đang được coi là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.
Từ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ suốt hơn một năm qua, kinh tế đã dần đi vào ổn định, không chỉ đem lại những kết quả cụ thể mà quan trọng hơn đó là xác lập được niềm tin, khí thế và kì vọng mới từ người dân và doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo Khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2017 của Ngân hàng Thế giới, đo lường mức độ thuận lợi trong kinh doanh ở 190 nước, Việt Nam lại đứng vị trí thứ 82, tăng 9 bậc so với thứ hạng năm trước. Hay việc môi trường thương mại của Việt Nam đã cải thiện đáng kể và tăng 14 bậc lên vị trí thứ 73/136 nền kinh tế được đánh giá trong bảng xếp hạng “Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016″ mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố.
Càng không phải vô cớ mà, Báo cáo về đổi mới sáng tạo toàn cầu (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lại đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 47/127 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, vượt 12 bậc so với năm ngoái. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.
Những đánh giá tích cực của chuyên gia, tổ chức và dư luận quốc tế về đổi mới cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam là sự ghi nhận khách quan, chính xác. Sự nỗ lực của Chính phủ đã tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và phần nào đã thành công trong việc kích thích phong trào khởi nghiệp trong toàn xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307 doanh nghiệp; trong đó có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2017. So sánh giữa năm 2017 và năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tăng 1,5 lần.
Như vậy, 2017 là năm mà số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp kỷ lục về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới bị phá vỡ. Đó là con số minh chứng rõ ràng cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang có bước đột phá tạo những điều kiện thuận lợi mới.
Chưa bao giờ khởi nghiệp trở thành một phong trào và được quan tâm, hỗ trợ như hiện nay, từ cấp Chính phủ, các bộ ngành đến các địa phương cũng như các tổ chức, Quỹ đầu tư trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đang cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư. Bởi vậy những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh quốc gia nói chung.
Dịch chuyển cả một bộ máy “trên nóng dưới lạnh” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải là một việc dễ dàng và nhanh chóng. Tuy vậy, với những gì làm được trong năm vừa qua, chúng ta có quyền tin vào một năm 2018 với sự bùng nổ hơn nữa của phong trào khởi nghiệp quốc gia. Chúng ta cũng hi vọng chính phủ kiến tạo hành động vì doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy và giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn tại trong môi trường kinh doanh để có thể hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo QUỐC HUY (Báo Tin Tức)