Nâng tầm vị thế, uy tín Việt Nam

22/11/2024 - 07:20

 - Khi tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó đoán định, tình hình an ninh, chính trị nước ta vẫn được giữ vững, tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Armenia Alen Simonyan, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Nhân Dân

Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) đã khái quát: “Sau 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với định hướng XHCN được giữ vững; vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc. Những thành tựu đó là minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của đường lối đổi mới phát triển đất nước theo con đường XHCN mà Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn”.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, Chính phủ quyết liệt thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 1986, khi mới bắt đầu đổi mới đất nước, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN, đến năm 2023 đạt 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN. Riêng giai đoạn 2011 - 2023, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt gần 6%, cao nhất là năm 2022, với mức tăng đạt 8,02%, năm 2024 dự kiến đạt 6,8 - 7%. Tổng sản phẩm quốc nội liên tục tăng: Năm 2013 đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, năm 2023 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng...

Cả nước tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, an ninh con người, cải thiện đời sống Nhân dân. Những thành tựu gần 40 năm đổi mới đất nước nâng cao tầm vóc của Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho công tác đối ngoại “vươn mình” ra thế giới. Đối ngoại còn là động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nước ta đã và đang mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cu Ba), 8 nước đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Pháp), 12 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. 

Đặc biệt, việc phát huy sức mạnh văn hóa, con người, nhất là chính sách ngoại giao "Cây tre Việt Nam” được thể hiện rõ nét, trở thành hình mẫu điển hình trong quan hệ quốc tế. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, có nhiều đóng góp quan trọng tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương…".

Những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua càng thêm khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương, mà còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 (vừa diễn ra tại Peru), Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Lương Cường nhấn mạnh: “Việt Nam đang tích cực cùng với các thành viên khẩn trương xây dựng chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC giai đoạn 2026 - 2030 nhằm năng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của APEC”. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương. Kiến tạo và duy trì các liên kết kinh tế thông suốt. Đẩy mạnh chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, công nghệ bao trùm. Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ưu tiên giải pháp thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ cộng đồng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận công nghệ số và thành quả của đổi mới sáng tạo. Không ngừng nâng cao năng lực thể chế và quản trị toàn cầu. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế của APEC theo hướng tinh gọn, năng động, thích ứng, đón đầu, sẵn sàng kiến tạo các động lực tăng trưởng mới…

“Là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên APEC triển khai hiệu quả định hướng và tầm nhìn của APEC. Trên cơ sở thành tựu của các năm APEC đi trước, Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo cho Năm APEC 2027, hướng đến một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm” - Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định.

Những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với những vấn đề khu vực và quốc tế; thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh), trong đó có đối ngoại, là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch và tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam.

H.N