Việt Nam không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) về một số vấn đề liên quan đến tiền ảo.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bitcoin và các tiền mã hóa tương tự (tiền ảo) hoạt động phân tán, có tính ẩn danh cao, không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát, phát hành. Việt Nam cũng như đa số các quốc gia khác không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia mình. Tiền ảo là một hiện tượng, vấn đề rất mới, các quy định pháp luật cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam chưa có; thực trạng diễn biến khá phức tạp.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có trên 1.500 loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành; tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo niêm yết giao dịch đến giữa tháng 6 năm 2018 lên đến 300 tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm hơn 40% tổng giá trị vốn hóa (theo trang web quốc tế CoinMarrketCap.Com).
Ở Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018 có diễn biến phức tạp, thu hút nhiều cá nhân quan tâm và tham gia mua bán, đầu tư giao dịch tiền ảo, nổi bật nhất là Bitcoin. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi - bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam từ lượng Bitcoin/các tiền mã hóa khác (Ethereum, LiteCoin....) có được do mua bán trao tay hoặc từ hoạt động “đào” (khai thác) tiền ảo dựa trên các hệ thống máy tính chuyên dụng, cấu hình cao nhập khẩu.
Theo công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompare, vào cuối tháng 11 năm 2017, 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ Châu Á, trong đó có 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex, Coinmarketcap… luôn nằm trong Top 5 cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, lượng máy tính “đào” Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian qua cũng tăng khá cao. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, từ năm 2017 đến nay đã có đến 15.600 máy đào tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi đại diện Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính từ đầu năm 2018 đến nay đã làm thủ tục cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo nhập khẩu về thành phố Hồ Chí Minh. Tại công văn số 5484/VPCP-KTTH ngày 9-6-2018, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
Chính phủ, các Bộ, ngành đã và sẽ thực hiện để người dân hiểu được thực chất về rủi ro khi tham gia đầu tư vào các loại tiền ảo.
Rủi ro khi tham gia vào hoạt động đầu tư, giao dịch tiền ảo thể hiện trên 2 khía cạnh bao gồm: rủi ro liên quan đối với sự ổn định của thị trường tài chính; rủi ro đối với sự ổn định và trật tự xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai một số công việc, biện pháp để giúp người dân hiểu được rủi ro, thận trọng và cảnh giác khi tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo, ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo.
Cụ thể, do sớm nhận thức những rủi ro, hệ lụy của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, nên ngay từ tháng 2-2014, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức trước những rủi ro, nguy cơ đối với việc tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo. Cuối tháng 10-2017, khi tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu sốt nóng trên phạm vi toàn cầu và lan sang Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tái khẳng định quan điểm rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Ngày 21-08-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” (Đề án 1255), trong đó đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo; thời gian hoàn thành là trong năm 2018.
Trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy khó lường và tiêu cực của tiền ảo đối với thị trường Việt Nam, ngày 11-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phòng ngừa, kiểm soát các giao dịch, hoạt động tiền ảo, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo đến người dân và xã hội.
Khẩn trương triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11-4-2018 của Thủ tướng, ngày 13-4-2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó Ngân hàng Nhầ nước đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.
Với vai trò là cơ quan phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tiền ảo, tài sản ảo ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tích cực tham gia phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm triển khai các hoạt động liên quan theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21-08-2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát khuôn khổ pháp lý hiện hành, đánh giá tổng thể thực trạng tiền điện tử tại Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực trạng trong nước và tham khảo kinh nghiệm thực tiễn, thông lệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước hiện đã xây dựng báo cáo rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới về tiền điện tử, trong đó làm rõ khái niệm, bản chất, hình thái biểu hiện của tiền điện tử, đối tượng quản lý cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp giúp quản lý hoạt động, cung ứng, phát hành, sử dụng tiền điện tử tại Việt Nam (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2018).
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất phát hành loại hình công cụ thanh toán tiền ảo trong tương lai
Về đề nghị xem xét phát hành loại hình công cụ thanh toán tiền ảo trong tương lai, Phó Thủ tướng khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, tiền ảo (Bitcoin và một số tiền mã hóa nổi bật khác) chưa thể trở thành tiền tệ, phương tiện thanh toán có khả năng thách thức các đồng tiền quốc gia, mạng thanh toán hiện hành vì một số lý do sau:
Khả năng chấp nhận tiền ảo như một trung gian trao đổi an toàn, hiệu quả ở thời điểm hiện nay là rất thấp. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là giao dịch mua đi, bán lại với mục đích đầu tư, đầu cơ chứ không phục vụ cho mục đích sử dụng như một phương tiện trao đổi, thanh toán hàng hóa dịch vụ. Trên bình diện quốc tế, tiền ảo (Bitcoin và một số đồng tiền mã hóa nổi bật khác) mới chỉ được chấp nhận trong các web hoạt động mờ ám (dark web) và tại một số ít các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ như một công cụ quảng bá hình ảnh là chính.
Một hạn chế nữa của Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo khác là có mức độ biến động rất mạnh, không giống với đặc trưng ổn định thông thường của các đồng tiền quốc gia. Trong năm 2017, Bitcoin và các đồng tiền ảo tăng giá liên tục và lên cơn sốt vào thời điểm cuối năm 2017 khi Bitcoin có giá chạm ngưỡng 20.000 USD/Bitcoin, gấp 20 lần giá thời điểm đầu năm 2017, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau đó lại đánh mất tới 2/3 giá trị. Mức biến động mạnh của Bitcoin nói trên khiến nó không thể đóng vai trò công cụ lưu trữ giá trị hiệu quả. Cuối cùng, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa cũng thất bại trong vai trò là một đơn vị kế toán (unit of account) khi rất ít các công ty, tổ chức thực hiện hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính quy đổi theo Bitcoin hay tiền mã hóa.
Với những thuộc tính trên, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa mang bản chất của một loại tài sản/công cụ đầu cơ tài chính, chưa thể đảm đương vai trò, chức năng của một phương tiện thanh toán đích thực. Bên cạnh đó, dù các nước còn chưa thống nhất quan điểm, cách thức đối xử, cơ chế quản lý đối với tiền ảo nhưng không một quốc gia/khu vực nào trên thế giới công nhận Bitcoin hay một loại tiền mã hóa tương tự là tiền pháp định (legal tender), được Chính phủ, Ngân hàng Trung ương bảo đảm và được hệ thống pháp luật bảo vệ.
Đề xuất của đại biểu Huỳnh Thành Trung về một đồng tiền kỹ thuật số được phát hành và bảo lãnh thanh toán bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một vấn đề rất mới, đòi hỏi kiến thức, chuyên môn sâu. Một số tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), NHTW Châu Âu (ECB) cũng thận trọng với đề xuất này. Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn đang tìm hiểu, theo dõi chặt chẽ các công nghệ liên quan trong khi vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng đối với việc áp dụng, triển khai. Cho tới nay, một số thử nghiệm tại hệ thống thanh toán của một nước như Canada, Nhật Bản, Singapore...về một đồng tiền kỹ thuật số phục vụ giao dịch liên ngân hàng giá trị lớn giữa Ngân hàng Trung ương với các ngân hàng thương mại vẫn chưa chứng tỏ được tính hiệu quả, kết quả thuyết phục, làm căn cứ cho việc phát hành một đồng tiền như vậy. Trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật tình hình liên quan đến nội dung, kiến nghị mới mẻ này.
Theo TTXVN/Báo Tin tức