Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024

03/04/2024 - 06:03

 - Nhiều chính sách mới có hiệu lực, như: Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT); không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; Quy chuẩn quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy... có hiệu lực từ tháng 4/2024.

Chứng chỉ ngoại ngữ nào được miễn thi THPT năm 2024?

Từ ngày 22/4/2024, Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, chính thức có hiệu lực. Thông tư sửa đổi, bổ sung việc tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật và Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thuộc đối tượng quy định phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thuộc đối tượng quy định dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh. Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.

Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT cũng quy định danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm; TOEIC (4 kỹ năng nghe: 275, đọc: 275, nói: 120, viết: 120); IELTS 4.0 điểm; B1 Preliminary; B1 Business Preliminary; B1 Linguaskill; chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3...

Quy chuẩn quốc gia về phương tiện phòng cháy, chữa cháy

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ban hành tại Thông tư 56/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.

Theo đó, yêu cầu chung với phương tiện PCCC, gồm: Phải kê khai, khai báo phù hợp danh mục phương tiện tại quy chuẩn này. Nếu chưa rõ chủng loại thì phải định danh chủng loại phương tiện PCCC; phải quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất; phải thực hiện kiểm định phù hợp quy chuẩn này cùng các quy định khác có liên quan. Các phương tiện PCCC phổ biến có thể kể đến: Vòi chữa cháy, lăng chữa cháy phun nước cầm tay, trụ nước chữa cháy, đầu nối chữa cháy, bình chữa cháy xách tay…

Không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng

Có hiệu lực trong tháng 4/2024, Thông tư 1/2024/TT-BNV quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 98/2023/NĐ-CP, ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Thông tư quy định rõ việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện, như sau: Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”; cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.

Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 1 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi...).

Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ (đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức) hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị mới (đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức) thực hiện. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 6 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ; không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 6 tháng.

Tiêu chuẩn xét danh hiệu Thầy thuốc nhân dân từ ngày 15/4

Nghị định 25/2024/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.

Theo đó, cá nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú sẽ được xét Thầy thuốc nhân dân nếu có tài năng xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển khoa học - kỹ thuật, công nghệ về y tế và đáp ứng các tiêu chuẩn nêu tại Điều 9, Nghị định 25, gồm: Là chủ nhiệm ít nhất một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp bộ, tỉnh được nghiệm thu và xếp loại Đạt trở lên; là thành viên nghiên cứu chính trong 2 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia được nghiệm thu, có xếp loại đạt trở lên; là tác giả/đồng tác giả ít nhất 1 sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực y tế, được cấp chứng nhận độc quyền sáng chế…

K.N