Chợ quê mùa nước nổi

04/10/2024 - 07:46

 - Đồng nước nổi tháng 8 âm lịch đã dâng cao. Sản vật mùa nước nổi cũng phong phú theo con nước về. Đã bao giờ bạn đi chợ quê vào mùa nước nổi chưa? Hẳn đó sẽ là trải nghiệm khó quên với những ai đã từng trải qua!

Còn nhớ, mẹ tôi ngày xưa mỗi khi nấu món lẩu mắm đãi cả nhà dịp cuối tuần đều mua đủ các loại rau được cho là đặc sản mùa nước nổi, như: Bông điên điển, rau muống đồng, bông súng “ma”, đặc biệt là nguyên liệu chính - cá linh non không thể thiếu. Cứ theo lời dặn của mẹ, tôi mua không thiếu món gì ở chợ quê. Đúng thật, mùa nước nổi chợ quê nhộn nhịp hẳn. Khi trời còn chưa sáng tỏ, bạn hàng đã í ới nhau họp chợ, rộn cả một góc quê.

Về xã đầu nguồn Vĩnh Xương, Phú Lộc (TX. Tân Châu) những ngày này, không khí nhộn nhịp không chỉ có trên cánh đồng tràn nước, mà ở các điểm chợ nông thôn, nhiều sản vật mùa nước nổi được bán vô cùng phong phú, với đủ loại cá đồng, khiến khách phương xa khó rời mắt. “Sung túc, đa dạng, tươi ngon… là điểm chung của những nơi mua bán sản vật mùa nước nổi. Ở những chợ vùng đầu nguồn, cá, tôm nhiều khôn kể. Trong chợ, từ trên sạp đến dưới đất, những món ngon tha hồ lựa chọn. Dọc đường quê cũng có nhiều nhà bày ốc, cua, hến, rắn, chuột… trước hiên. Chưa kể, mấy chiếc xe đẩy bán hàng “di động” chất đầy ắp những rổ càng cua, ốc luộc, ốc sống… Những sản vật đặc trưng mùa nước nổi, như: Bông súng, bông điên điển, rau muống đồng cũng được bày bán gấp 2 - 3 lần so ngày thường. Sản vật nhiều, nhưng luôn đắt khách, người bán chẳng mấy khi lo ế. Mùa này, đa số người mua chuộng ăn rau, cá tự nhiên hơn” - chị Lê Kiều bày tỏ.

Phiên chợ quê vùng biên giới vào mùa này họp chợ mỗi ngày 2 buổi (sáng, chiều). Những mẻ cá linh, cá chốt, cá chạch, cua đồng được người dân thu hoạch sau một ngày vất vả đánh bắt mang ra bán, nếu đi muộn, có lẽ bạn sẽ phải đi về tay không. Cá linh nấu chua với bông súng, bông điên điển hoặc kho lạt, vắt chanh, ớt chua cay, chấm với mớ rau đồng tươi ngon thì còn gì bằng.

Theo chị Kiều, năm nay, ngư dân cũng bắt đầu mùa đánh bắt sớm. Nhờ giá cả ổn định nên bà con có thêm nguồn thu nhập. Nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản mùa nước nổi vùng đầu nguồn cho biết, lúc nước mới về (khoảng cuối tháng 7), ít cá nên giá cao, như cá linh giá bán hơn 50.000 đồng/kg, nhưng nay, con nước tràn đồng nhô cao, việc đánh bắt cá được nhiều hơn, nên giá cá chỉ còn 30.000 đồng/kg. Nếu chịu khó mưu sinh theo con nước, mỗi ngày, ngư dân cũng thu về 300.000 - 400.000 đồng để trang trải cuộc sống.  Cô Nguyễn Thị Thảo (ngụ ấp Phú Quí, xã Phú Lộc) chia sẻ: “Mỗi độ con nước về, vợ chồng tôi lại xuôi xuồng theo con nước hái rau muống đồng. Rau muống đồng mùa này tươi ngon, lại dồi dào vô kể. Tôi bán 5.000 đồng/bó rau muống, vậy mà cũng được tầm 200.000 đồng/ngày, kiếm chút ít mua gạo, cá cho cả nhà”.

Ngoài đặc sản cá linh, hiện nay, người dân vùng đầu nguồn rất phấn khởi thu hoạch được nhiều loại cá, như: Cá chạch, cá heo, cá chèn, cá mè vinh, cá dảnh… “Đây là các loại cá có giá thành rất cao từ 100.000 - 200.000 đồng/kg, lại được ưa chuộng vì có thể chế biến thành nhiều món ngon, hấp dẫn. Chợ quê mùa nước nổi vùng biên, mỗi ngày 2 buổi, đều có ngư dân đem đủ các loại cá, tôm tươi roi rói vừa đánh bắt được ngoài đồng ra bán. Số lượng ít thì họ tự bán, nhiều hơn sẽ giao cho bạn hàng” - chị Lê Thị Mỹ Phương (ngụ xã Phú Lộc) cho hay.

Những nguời dân ở vùng đầu nguồn TX. Tân Châu hay nói rằng, ở đây có những “phiên chợ” chóng vánh chỉ diễn ra vào mùa nước nổi. Với nhiều người, phiên chợ vùng quê mùa nước nổi thật sự là “đặc sản”.

PHƯƠNG LAN