Chông chênh chợ nổi!

28/12/2021 - 07:11

 - Theo dòng chảy thời gian, chợ nổi vẫn là mô hình mua, bán đặc sắc của người dân sông nước miền Tây. Tuy nhiên, đổi thay thời cuộc và ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, chợ nổi không còn giữ được vẻ sung túc của ngày tháng trước.

Thời điểm này, lượng trái cây, nông sản ở chợ nổi bán còn chậm

Chiếc xuống máy lạch tạch đưa tôi ra chợ nổi Long Xuyên trong cơn bấc vi vu. Mặt sông buổi tinh sương lấp lóa ánh mặt trời trải dài trên sóng nước. Từ bến phà Ô Môi, đò chạy hơn 500m mới đến chợ nổi. Làn sương sớm lờ mờ hiện ra những chiếc ghe, mấy cây bẹo hàng chỏng chơ. Đó là hình ảnh đặc trưng của chợ nổi từ xưa.

Ghé lại chiếc ghe chất đầy dừa mơn mởn, tôi được chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (bạn hàng từ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đón tiếp chân thành. Chị Ngọc cho biết, dừa có xuất xứ từ đất Cái Côn - nổi tiếng nhiều nước, thơm ngọt. Dừa chia làm 3 loại, gồm 70.000, 80.000 và 90.000 đồng/chục. Đến neo ghe ở chợ nổi Long Xuyên hơn 3 ngày, số dừa đã vơi đi một nửa, chị định vài hôm sẽ trở xuống Cái Côn lấy hàng bán tiếp.

“Năm rồi, bước sang tháng 11 (âm lịch), dừa bán rất chạy. Tới thời điểm này, tình hình buôn bán chưa mạnh lắm! Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên bạn hàng ít ra ghe. Nếu tới đây thì họ chỉ mua cầm chừng, số lượng không nhiều như mọi khi. Tình hình này không biết vụ bán Tết có “xôm tụ” hay không. Dân đi ghe chờ đến cuối năm mới biết mình lời lỗ ra sao!” - chị Mỹ Ngọc cho hay.

Cùng đi ghe từ Sóc Trăng lên An Giang với chị Ngọc là chị ruột Nguyễn Thị Mỹ Xuyên. Ghe của chị Xuyên không khá hơn bao nhiêu, khi mối trên bờ lấy hàng rất thưa thớt. Dường như vốn liếng của họ ít đi, nên chuyện mua, bán cũng hạn hẹp hơn. Sẵn gặp khách mới quen, chị mời tôi trái dừa đất “sóc sờ bai”. Nước dừa ngọt nhẹ, lành lạnh theo cơn gió bấc ngoài sông, như mang theo cảm giác buồn buồn của những chiếc ghe neo đậu ở chợ nổi Long Xuyên mùa này.

“Người ra ghe mua ít, người bán cũng vắng theo. Tôi thấy lượng ghe đậu ở chợ nổi bây giờ chỉ bằng phân nửa năm trước. Mọi khi, ghe đậu thành hàng dài hun hút. Năm nay, tình hình ảm đạm hơn. Chắc nhiều người không đủ vốn để lấy hàng lên bán như mọi khi. Với lại, mình sống được là nhờ bạn hàng ở trên bờ, giờ họ gặp khó khăn thì dân đi ghe cũng ảnh hưởng theo” - chị Mỹ Xuyên trải lòng. 

Đưa mắt nhìn quanh, tôi thấy chủ ghe đa phần ngồi ngắm cảnh sông nước mênh mông. Có lẽ, họ trông chờ vào vụ mua bán Tết để “gỡ gạc” 1 năm nhiều biến động, mấy tháng lên bờ tránh dịch. Tuy nhiên, tình hình mua bán hiện tại khiến dân chợ nổi không giấu được sự lo lắng. Bởi thời gian họ neo lại chợ khá lâu, đồng nghĩa với lượng nông sản bán đi rất chậm. Ông Trần Văn Mãi (bạn hàng thường ra mua nông sản ở chợ nổi) thật tình: “Dân mình vẫn đi chợ mà mua đồ ít lắm. Lúc trước, ngày nào họ cũng ra ghe lấy hàng thêm, giờ cách bữa mới đi một chuyến. Bạn hàng ghe có giảm giá đôi chút, nhưng mình bán chậm quá, nên ai cũng lo”.

Tiếp tục tham quan chợ nổi Long Xuyên, tôi được đưa đến ghe chất đầy khoai mì. Đón tôi là anh bạn hàng (quê huyện Châu Phú) với cái tên Lê Văn Hào cùng nụ cười chân chất. Anh Hào cho biết, khoai mì lấy ở Sóc Trăng được bán lại giá 40.000 đồng/10kg. Hơn nửa tháng qua, chuyện mua bán của anh Hào không đắt lắm. Tuy nhiên, anh cho biết bạn hàng ra ghe mấy ngày gần đây đông hơn nên cũng mừng thầm. Anh đang hy vọng bán được nhiều hàng hơn trong thời điểm cuối năm, khi nhu cầu người dân tăng lên. Lúc tạm biệt nhau, tôi ấn tượng mãi với dáng cười tít mắt của anh, không quên chúc anh bán đắt hàng.

Khi trở về, tôi cố gắng bấm vài tấm ảnh những chiếc ghe đang xúm xít mua bán giữa sông nước mênh mông. Ở đó, hiện lên nét đẹp khỏe khắn của dân lao động, với cách mua, bán đặc thù sông nước miền Tây và phảng phất chút hình ảnh của Nam Bộ từ ngày mở đất. Tuy nhiên, trên những chiếc ghe ấy ẩn chứa nỗi lo về vụ bán Tết không như mong đợi. Có lẽ, phải đến ngày cuối tháng Chạp, khi bạn hàng ghe trở về nhà nấu mâm cơm rước ông bà, thì nỗi lo mới gác lại sau lưng. Và khi ấy, cái chông chênh của chợ nổi mới tạm qua đi, để họ đón cái Tết đoàn viên, đầm ấm bên gia đình.

THANH TIẾN