Chống tham nhũng “Không có vùng cấm” ở An Giang - Kỳ 1: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

13/09/2022 - 09:00

 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải được duy trì liên tục, lâu dài, bằng quyết tâm rất lớn của rất nhiều tập thể, cá nhân. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang sơ kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm. Ảnh: T.L

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho 8 tổ chức đảng và 17 đảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021. Ảnh: T.L

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, với quan điểm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở An Giang được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh An Giang, cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.

Công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, thực hiện việc công khai, minh bạch hoạt động cơ quan nhà nước, việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, báo cáo của Bộ Chính trị nêu rõ, 10 năm qua, cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Đặc biệt, thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Tại An Giang, địa bàn tỉnh ở biên giới Tây Nam, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, địa bàn trọng điểm, nhạy cảm về biên giới, dân tộc và tôn giáo. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, phòng, chống tham nhũng, đảm bảo an ninh- chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phòng, chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp và được chỉ đạo một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hàng năm. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện 41 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng thông qua các buổi họp chi bộ, cơ quan, hội nghị, tập huấn và “Ngày pháp luật” với 4.615 lượt người tham dự. Đồng thời, tuyên truyền thông qua các tin, bài, chuyên trang, chuyên mục trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, thời gian qua, các cấp ủy Đảng đã quan tâm lãnh, chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, đối thoại và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng công khai, minh bạch hoạt động; việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ và bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã góp phần kịp thời ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường triển khai tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần đẩy lùi suy thoái, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và của hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn.

Đến nay, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên vô việu hóa. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Những con số biết nói

10 năm qua, An Giang đã thực hiện được 990 cuộc thanh tra, kiểm tra trên 1.118 đơn vị, phát hiện 112 trường hợp sai phạm với số tiền hơn 89 tỷ đồng, 505.459,57m2 đất; kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 27,5 tỷ đồng và 364.554m2 đất. Đã thu nộp ngân sách 13,4 tỷ đồng và 81.162 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 112 tổ chức, 512 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 14 vụ 29 đối tượng, đã xử lý 11 vụ 26 đối tượng.

Điển hình như qua hoạt động kiểm tra nội bộ năm 2013, theo phản ánh của 3 chủ cơ sở thuốc tây trên địa bàn huyện Chợ Mới. Chi cục Quản lý thị trường xác minh, phát hiện 5 công chức của Đội Quản lý thị trường số 5 trong quá trình kiểm tra đã không xuất trình quyết định kiểm tra, không lập biên bản và có hành vi nhận số tiền 7 triệu đồng để bỏ qua các vi phạm. Năm 2014, phát hiện 4 cá nhân khác có hành vi chiếm dụng số tiền 191,6 triệu đồng. Đã xử lý buộc thôi việc và trả lại số tiền đã chiếm dụng. Qua hoạt động thanh tra phát hiện và chuyển cơ quan điều tra xử lý 14 vụ 29 đối tượng về hành vi tham nhũng, với tổng số tiền 13,4 tỷ; đã thu hồi 7 tỷ đồng như: Vụ Nguyễn Phước Linh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Bình (huyện Phú Tân) có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ” số tiền hơn 1 tỷ đồng; vụ Nguyễn Ngọc Phương, nguyên cán bộ địa chính xã Bình Mỹ - huyện Châu Phú có hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” số tiền 3,2 tỷ đồng; vụ Huỳnh Minh Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú lợi dụng nhiệm vụ được giao, chiếm dụng số tiền 456 triệu đồng...

6 tháng đầu năm 2022, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, các cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xử lý 7 công chức, đảng viên liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực” gồm: Vụ án "Tham ô tài sản” xảy ra tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú (án cũ chuyển sang), đã thi hành kỷ luật bằng hình thức "Khai trừ” đối với 3 đảng viên Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú vi phạm pháp luật về tội “Tham ô tài sản", gồm: Nguyễn Thị Yến, chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy An Phú - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú; Nguyễn Thị Minh Thư - nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú; Mai Thị Thùy Linh - nguyên là chuyên viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú. Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Hội Nông dân huyện Châu Phú (án cũ chuyển sang). Đã thi hành kỷ luật bằng hình thức “Khai trừ” 2 đảng viên Chi bộ Khối vận vi phạm pháp luật về tội “Tham ô tài sản”, gồm: Huỳnh Minh Ngọc - Chi ủy viên Chi bộ Khối Vận, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện; Nguyễn Thới Nguyên, nguyên là chuyên viên Hội Nông dân huyện...

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an hai cấp đang thụ lý , điều tra 5 vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan 8 bị can. Đó là các vụ án: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại UBND xã Bình Thủy (huyện Châu Phú); vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an tỉnh; vụ án “ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề An Giang; vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Châu Phú; vụ án “Tham ô tài sản" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Long Xuyên.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý hồ sơ 5 vụ án liên quan 32 bị can liên quan các vụ án tham nhũng, kinh tế; thu hồi hơn 19 tỷ đồng. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Thạnh cho biết, hoạt động điều tra tội phạm ở cơ quan điều tra địa phương không ngừng được nâng lên. Việc phát hiện, khởi tố, điều tra vụ án tham nhũng, tiêu cực luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chứng minh tội phạm, người phạm tội tại tòa. Nhận thức đúng tính chất và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, 2 cấp kiểm sát không ngừng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cho thấy, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được tỉnh chỉ đạo và thực hiện quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhờ đó, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

HẠNH CHÂU