Chủ động bảo vệ lúa và phòng, chống cháy rừng

30/01/2024 - 04:07

 - Thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đồng ruộng vẫn phải được bảo vệ, nguy cơ cháy rừng rất cao khi đang bước vào cao điểm mùa khô. Thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên lúa và các loại cây trồng; chủ động phương tiện, ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là yêu cầu cần thiết

Thăm đồng thường xuyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy vừa dẫn đầu đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến thăm đồng, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và PCCCR tại huyện Thoại SơnTri Tôn. Cùng đi có Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, các phòng, ban trực thuộc sở và đơn vị liên quan.

Đoàn đã đến thăm, kiểm tra đồng ruộng tại xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn) và xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), nghe nông dân, lãnh đạo địa phương thông tin về tình hình xuống giống, công tác phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại; việc liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời); những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất lúa vụ đông xuân tại các địa phương...

Nông dân Nguyễn Đinh Phương (xã Vọng Thê) cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, anh xuống giống 13ha, với 2 giống lúa OM18 và IR50404, lúa hiện được hơn 40 ngày tuổi. Từ đầu vụ đến nay, cây lúa gặp một số đối tượng gây hại, như: Rầy cánh trắng, đạo ôn... Nhờ thăm đồng thường xuyên nên nông dân phát hiện sớm, điều trị kịp thời, diện tích lúa không bị ảnh hương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng

Đối với liên kết sản xuất - tiêu thụ, ông Nguyễn Minh Giang (Tổ trưởng phụ trách khu vực Vọng Đông - Vọng Thê của Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, xã Vọng Thê đang thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời diện tích 800ha (toàn huyện Thoại Sơn 6.000ha, toàn tỉnh là 20.000ha). Công ty triển khai thu mua lúa của nông dân với 3 hình thức: Lúa thông thường, lúa đạt chuẩn EU (xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu) và lúa sử dụng chương trình “Thùng thuốc T1H”.

Đối với lúa thông thường, khi đến cuối vụ, công ty cùng nông dân gặp mặt, trao đổi mức giá thu mua. Đối với lúa đạt tiêu chuẩn EU, trước khi thu hoạch 10 ngày, công ty kiểm tra chất lượng, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ cộng thêm 200 đồng/kg lúa. Đối với nông dân tham gia chương trình “Thùng thuốc T1H”, được hỗ trợ thêm 200 đồng/kg lúa. “Trường hợp lúa vừa đạt chuẩn EU, lại vừa sử dụng “Thùng thuốc T1H”, nông dân sẽ được hỗ trợ thêm 400 đồng/kg” - ông Giang thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị địa phương, nông dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện các loại sâu bệnh, dịch hại để có biện pháp phòng ngừa, điều trị hợp lý. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp để đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời, phát huy hiệu quả các Tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Tập trung bảo vệ rừng

Trước nguy cơ cháy rừng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cùng đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã đến thăm, kiểm tra công tác PCCCR tại Khu cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến (xã Tân Tuyến) và khu vực núi Cô Tô (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn).

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho biết, hiện nguy cơ cháy rừng một số khu vực đang ở cấp 4, cấp nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh. Lực lượng canh phòng túc trực thường xuyên, nhất là các giờ cao điểm; kịp thời phát hiện điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay. Các đơn vị, như: Chi cục Kiểm lâm An Giang, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ và đặc dụng, BQL Lâm trường Tỉnh đội đã triển khai “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ), xây dựng kế hoạch và sẵn sàng phương án bảo vệ rừng, PCCCR.

Giám đốc BQL rừng phòng hộ và đặc dụng Thái Văn Nhân cho biết, cơ sở hạ tầng tại khu rừng tràm hiện đang xuống cấp; các kênh, mương đã lâu không được nạo vét nên lắng đọng và bồi lấp. Do đó, đơn vị đề xuất kinh phí để nạo vét các tuyến kênh, bê-tông các tuyến đường tuần tra trong khu vực rừng tràm. Đồng thời, xây dựng tháp canh với chiều cao hơn 20m để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, PCCCR...

Trong khi đó, Giám đốc Lâm trường Tỉnh đội Phạm Văn Hải kiến nghị trang bị thêm dây chữa cháy (đã bị hư hỏng, đứt gãy trong quá trình hoạt động), trang bị phương tiện, nhất là xe vận chuyển để phục vụ công tác chữa cháy rừng cũng như hỗ trợ chữa cháy cho địa bàn dân cư.

Qua làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu lực lượng kiểm lâm, các BQL rừng bảo đảm việc bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy ở các khu vực trọng điểm; triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện tốt việc ứng trực PCCCR theo quy định. Đồng thời, tích cực phối hợp với lực lượng công an, quân sự theo quy chế phối hợp, kế hoạch, phương án PCCCR. Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, phân bổ kinh phí để các đơn vị trang bị thiết bị phục vụ công tác PCCCR…

ĐỨC TOÀN