Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội

28/05/2020 - 19:34

 - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và sự bùng nổ mạng internet, mạng xã hội... bao trùm trên phạm vi toàn cầu, đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Do đó, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch trên mạng xã hội, cần phải tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội…

Thực tế cho thấy, khi mạng xã hội được sử dụng vì lợi ích chung sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực, giúp kết nối mọi người, là một kênh quảng bá, kinh doanh hiệu quả, giúp nắm bắt thông tin, và là kênh giải trí hữu ích. Trên phương diện nhất định, mạng xã hội đã hình thành nên một lớp công dân mạng làm truyền thông qua việc tự đăng tải thông tin, chia sẻ, bình luận, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát triển trí tuệ… Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng sớm bộc lộ nhiều bất cập, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống.

Bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, sai trái như: xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ Đảng ta trên mọi lĩnh vực. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tăng cường sử dụng các website, các trang mạng xã hội để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, gây mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tác hại của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội do các thế lực thù địch tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, nhà nước.

Vì thế, chủ động ngăn chặn hiểm họa từ mặt trái của mạng xã hội đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả... Theo đó, các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người khi sử dụng mạng xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, vì sự lệch lạc trong nhận thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến ngộ nhận, sai lầm trong hành vi. Do đó, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người nhận thức được tác động tiêu cực từ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không vô tình tiếp tay cho hoạt động chống phá và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Ngoài ra, cần chủ động cập nhật thường xuyên các văn bản pháp luật, cùng quan điểm chính thức của Đảng và nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp định hướng người sử dụng mạng xã hội trước các vấn đề nhạy cảm.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp để quản lý internet trên cơ sở hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng và các luật, bộ luật liên quan. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, nếu cần thiết phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách... giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội với các vấn đề mới của nó.

Hoạch định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm chủ động, kịp thời, hiệu quả trong quản lý truyền thông mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, nhất là lực lượng chuyên trách tinh gọn, đủ mạnh. Ngoài ra, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, trang bị phương tiện phù hợp. Các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, nhận diện, xử lý thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội. Bên cạnh việc biểu dương, ủng hộ người tốt, đưa thông tin tốt, cần phải phê phán, răn đe, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân đưa tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo…). Đặc biệt, cần kiểm điểm, phê bình, thi hành kỷ luật nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, tung tin thất thiệt, gây rối nội bộ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, nhất là bí thư cấp ủy trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí… tăng cường tuyên truyền Luật An ninh mạng, đảm bảo việc khai thác, sử dụng mạng xã hội đúng quy định pháp luật và có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

K.M