Chủ động phòng cháy, chữa cháy

06/10/2022 - 07:12

 - Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh An Giang đã ghi nhận hơn 100 vụ cháy, làm chết 7 người, bị thương 8 người, ước tính thiệt hại tài sản hơn 100 tỷ đồng. Tình hình này đặt ra thách thức lớn cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Theo Công an tỉnh An Giang, toàn tỉnh có gần 8.500 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Những năm gần đây, số lượng cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) dịch vụ, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, các loại hình cơ sở ngày càng phong phú, đa dạng. Quá trình đô thị hóa tiếp tục phát triển, kéo theo sự gia tăng các khu đô thị, công trình phức hợp, khu kinh tế sẽ là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ xảy ra.

Để đáp ứng yêu cầu PCCC, tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD; cao điểm kiểm tra chợ, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC.

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Petrolimex An Giang

UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh mở 3 lớp tập huấn Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho lãnh đạo cấp xã; 2 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác kiểm tra an toàn PCCC và CNCH; 11 lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC cho 374 người...

Ngoài ra, Công an tỉnh kết hợp kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng App “Báo cháy 114” và quan tâm tài khoản zalo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Qua vận động đã thu hút hơn 1.300 người tham gia cài đặt, sử dụng. Riêng các cơ quan thông tin và truyền thông, đài truyền thanh địa phương tăng cường đưa các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Lực lượng công an tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình PCCC. Tại thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) và phường Bình Đức (TP. Long Xuyên), công an đã xây dựng thí điểm mô hình “Quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy”, tự trang bị lăng, vòi chữa cháy và cải tiến máy bơm nước phục vụ chữa cháy ở những khu vực có đường giao thông nhỏ hẹp.

Đồng thời, tiếp tục duy trì, củng cố các mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác PCCC thời gian qua, như: Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và CNCH; khu dân cư an toàn PCCC; công an xã, phường, thị trấn tổ chức chữa cháy và CNCH ban đầu bằng phương tiện hiện có...

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn cháy nổ. Thượng tá Võ Phúc Thọ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh An Giang cho biết, qua kiểm tra, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, không để xảy ra các vụ cháy nổ thiệt hại về người. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ lực lượng PCCC và CNCH tại các địa phương tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cơ sở trong công tác PCCC, nhất là đối với các chủ cơ sở, điểm vui chơi giải trí, quán karaoke, bar, vũ trường... Nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm về nội quy PCCC. Nếu cơ sở không khắc phục, cố tình vi phạm, đơn vị kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh An Giang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 15 lượt cơ sở và kiểm tra định kỳ, lập 1.026 biên bản hướng dẫn các biện pháp an toàn và khắc phục sơ hở, thiếu sót về PCCC. Qua kiểm tra an toàn PCCC, đã phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp (7 tổ chức, 5 cá nhân), số tiền 15,8 triệu đồng.

Để đảm bảo an toàn PCCC, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục phát huy phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án chữa cháy, CNCH tại địa bàn cơ sở, tham gia ứng phó các tình huống cháy nổ, sự cố tai nạn; xây dựng, kiện toàn lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật PCCC và CNCH...

HẠNH CHÂU