Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết mùa mưa

12/06/2018 - 07:10

 - Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Đây là thời điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, ngoài ra một số bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn gây ra như: sốt rét, Zika… cũng diễn biến phức tạp.

Tính đến ngày 18-5, toàn tỉnh có 869 cas mắc SXH, trong đó 34 cas SXH nặng, 835 cas SXH và SXH có dấu hiệu cảnh báo. Tình hình SXH tuy chưa bùng phát mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cuối tháng 5, các địa phương đã tổ chức ra quân chiến dịch diệt lăng quăng đợt 3 trong năm với mục tiêu đưa các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH đến tận hộ gia đình.

Từ đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng, nâng cao nhận thức cộng đồng về cách lan truyền dịch bệnh và tập quán sinh sản của muỗi vằn để họ tự biết cách phòng bệnh. Trong chiến dịch này, cán bộ, đoàn viên, hội viên và cộng tác viên y tế của xã, thị trấn đến tận hộ gia đình kiểm tra các dụng cụ chứa nước, vật phế thải quanh nhà, cọ rửa lu khạp, thả cá vào các lu khạp dự trữ để diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, cộng tác viên còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các kiến thức phòng bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh, khuyến khích hộ gia đình diệt lăng quăng tại nhà để giảm mật độ sinh sản của muỗi, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ra quân kiểm tra, diệt lăng quăng ở khu dân cư

Ra quân kiểm tra, diệt lăng quăng ở khu dân cư

Song song với các đợt chiến dịch diệt lăng quăng tổ chức trên quy mô rộng, ngành y tế còn chủ động trong công tác truyền thông cũng như chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh. Ngoài hình thức cộng tác viên đến từng hộ phát tờ rơi, hướng dẫn còn có hệ thống truyền thanh từ xã đến huyện định kỳ thông tin tình hình dịch bệnh tại địa bàn, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, việc phòng, chống bệnh SXH quan trọng nhất là ở ý thức chủ động của người dân.

BS Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Trạm y tế xã Hòa Lạc (Phú Tân) nhận định, người dân chưa chủ động về các biện pháp vệ sinh môi trường để tự phòng tránh bệnh tại nhà, do đó hiệu quả đạt được chưa bền vững. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người xem chuyện phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành chức năng.

Thực tế, người dân đều hiểu rõ nguyên nhân bệnh SXH, biết rõ cách phòng, chống bệnh, biện pháp diệt lăng quăng nhưng số người thực hành rất ít. Chị Nguyễn Thị Thu (ở xã Bình Long, Châu Phú) cho biết, vùng nông thôn đặc thù nhiều cây cối, mùa mưa thường ẩm thấp, là nơi trú ẩn của muỗi. Khi cán bộ đến nhà phun thuốc diệt muỗi, chỉ thời gian sau muỗi xuất hiện trở lại. Phần lớn nhà ở vùng nông thôn là nhà sàn, muỗi và các loại côn trùng dễ xâm nhập hơn. Gia đình chị pha nước sả chanh và dầu xịt muỗi để lau nhà, sắp xếp từ trong nhà đến vườn cây thông thoáng. Song không phải gia đình nào cũng chủ động hưởng ứng được như trên. “Một xóm mà chỉ có vài hộ thực hiện thì hiệu quả thấp. Mình vẫn lo lắng khi con nhỏ đi chơi, hoặc những nơi muỗi sinh sôi nhiều ảnh hưởng đến số đông cư dân”.

Ngày 15-6, các địa phương sẽ đồng loạt tham gia các hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống SXH”. Đây là đợt cao điểm tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các hoạt động phòng, chống SXH tới đông đảo người dân dưới nhiều hình thức nhằm thu hút sự quan tâm ủng hộ của dư luận, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Đồng thời, triển khai các hoạt động thiết thực khác để huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH và bệnh do virus Zika tại địa phương.

Các mô hình phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng tiếp tục là điểm sáng đang phát huy hiệu quả và khuyến khích nhân rộng. Khẩu hiệu hành động “Không có bọ gậy, không có lăng quăng, không có SXH” thì ai cũng nghe quen thuộc, nhưng phải làm cho khẩu hiệu này thật sự đi vào cuộc sống của cộng đồng người dân thì mới có ý nghĩa trong chủ động phòng bệnh SXH.

MỸ HẠNH