Những ngày này, các phòng bệnh SXH của Khoa Nội nhi (Bệnh viện Sản- Nhi An Giang) có rất đông bệnh nhi điều trị nội trú. Đôi mắt thâm quầng do suốt đêm chăm sóc con, chị Ngân (phường Mỹ Thới) cho biết, con gái bệnh SXH và điều trị đến nay đã 6 ngày. “Con đang học thì cô giáo gọi điện báo bệnh, tôi tức tốc chạy vô trường đưa đi bác sĩ khám. Uống thuốc không bớt mà cứ nôn ói, nóng sốt suốt đêm trên 390C. Qua ngày thứ 2 tôi đưa vô bệnh viện, xét nghiệm máu cho kết quả bệnh SXH”.
Con chị Ngân là một trong những cas biến chứng nặng. Sau khi truyền dịch cháu khỏe nhiều, nhưng phải tiếp tục theo dõi. Đến ngày thứ 5 thì cháu bị chuyển độ, sốt cao, phải chuyển lại cấp cứu để điều trị, truyền dịch. Sau 1 đêm sốt cao, sang ngày thứ 6 thì toàn thân cháu xuất hiện rất nhiều chấm đỏ (xuất huyết) và cũng là giai đoạn kết thúc bệnh theo phác đồ điều trị SXH.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Khoa Nội nhi (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang)
Hiện nay đang vào mùa hè, thời tiết ơi bức, thỉnh thoảng có mưa nên tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh. Đây cũng là nguyên nhân SXH dễ bùng phát.
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết: từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị hơn 100 cas mắc SXH. Tình hình bệnh không tăng so cùng kỳ nhưng số cas nặng khá nhiều, phải can thiệp bằng các biện pháp chống sốc và theo dõi rất chặt chẽ. “Bệnh SXH nếu được theo dõi sát thì điều trị rất thuận lợi. Lo ngại nhất là khi mắc bệnh, người nhà tự mua thuốc về uống, đến khi sốc nặng mới nhập viện thì việc điều trị rất khó”.
BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: tình hình SXH năm nay tạm ổn, giảm 40% so cung kỳ. Tuy nhiên, các vùng trọng điểm như: TP. Long Xuyên, Chợ Mới… vẫn còn nguy cơ biến động, số cas mắc còn cao, cần khống chế tích cực. Ngay từ đầu năm, ngành y tế tăng cường tuyên truyền, phối hợp các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng dịch. Điều tra dịch tễ ghi nhận các ổ dịch đều xảy ra tại những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi SXH như: có nhiều vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi, vựa phế liệu, cơ sở tái chế vỏ xe, cống rãnh…
Hiện thời tiết mưa, nắng thất thường, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, cần phải tích cực trong phòng, chống. Trong đó, tập trung giải quyết triệt để các ổ dịch; thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch và đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức phòng dịch SXH trong cộng đồng...
Toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 163 ổ dịch. Tất cả các ổ dịch sau khi xử lý 14 ngày không phát hiện thêm cas bệnh mới. Ngoài ra, tổ chức 3 đợt vệ sinh môi trường diệt lăng quăng và kết hợp phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại ấp An Bình (xã Hội An, Chợ Mới), khóm Phó Quế (phường Mỹ Long) và khóm Tây Khánh 6 (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên). Các địa phương đang tiếp tục vệ sinh môi trường, diệt lăng để ngăn chặn mầm bệnh có thể lây lan trong cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, BS Huỳnh Mộng Hùng khuyến cáo, phụ huynh nên nhận biết triệu chứng SXH để đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được điều trị tại nhà, nhất là đối với trẻ nhỏ. Dấu hiệu bị SXH: sốt cao khoảng 38-400C, mệt mỏi, lừ đừ, ngày thứ 4-5 có thể xuất huyết trên da, chảy máu chân răng…
Bệnh thường trở nặng sau ngày thứ 4-5 khi bớt sốt. Những trường hợp mắc SXH tử vong do nhập viện quá trễ trong tình trạng xuất huyết nặng, suy tim, chảy máu nội tạng. Do đó, khi trẻ có biểu hiện bệnh cần đưa ngay đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh SXH, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân nên loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chứa nước không cần thiết (chai lọ, vỏ xe…), vì đây là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sản. Thường xuyên vệ sinh môi trường, dọn dẹp xung quanh nhà; nên ngủ mùng (kể cả ban ngày) để phòng muỗi đốt… Khi mắc bệnh,cần đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời. |
Bài, ảnh: HỮU HUYNH