Chủ động ứng phó trước thiên tai

23/06/2020 - 06:32

 - Theo dự báo, tình hình thời tiết, thiên tai năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với các địa phương khác, huyện Phú Tân (An Giang) khẩn trương triển khai kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ và giải pháp đi kèm khi có sự cố, đảm bảo an toàn về người, nhà ở, công trình, mùa vụ sản xuất.

Đầu tháng 6-2020, Điện lực Phú Tân tổ chức diễn tập xử lý sự cố lưới điện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy là diễn tập nhưng chọn sự cố thực tiễn khắc phục kết hợp phát quang cây xanh ở các tuyến đường đông dân cư, dễ xảy ra sự cố đổ ngã do mưa bão.

Anh Đinh Ngọc Vẹn (thành viên tham gia diễn tập) cho biết, đây là công việc thực hiện thường xuyên nhằm huấn luyện cho từng công nhân quản lý vận hành thực hiện thành thạo các bước xử lý sự cố lưới điện trung hạ áp và trạm biến áp. Đồng thời, công nhân sẽ nắm vững được hồ sơ lưới điện, nhạy bén ứng phó với thiên tai, nâng cao trình độ tay nghề…

Đội của anh Vẹn được phân công của lãnh đạo chỉnh trụ nghiêng trạm bơm 19/5 (thuộc xã Phú Bình) do giông lốc có khả năng làm đổ ngã. Sau khắc phục sự cố còn giả định thêm tình huống phức tạp cho các tổ xử lý, ngăn ngừa sự cố va chạm, đảm bảo an toàn cho người dân. Bên cạnh sự tích cực của ngành chuyên môn như điện lực, các địa phương trên địa bàn huyện Phú Tân sớm triển khai nhiều giải pháp trên tinh thần chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai và rủi ro thiên tai có thể xảy ra.

Phát quang cây xanh đảm bảo an toàn lưới điện

Cuối tháng 3-2020, Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Tân ban hành kế hoạch chủ động trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó, các mặt công tác đều được cụ thể hóa bằng các yêu cầu: tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trong người dân; đồng thời kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, xác định và xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm, xung yếu; sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai; kịp thời xây dựng phương án chi tiết, chủ động lực lượng, vật tư...

Mục tiêu đặt ra là hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu. Các đơn vị có trách nhiệm tham gia vào công tác này phải nâng cao năng lực sơ tán, bảo vệ người và tài sản, bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc.

Năm 2019, do tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình khí tượng thủy văn tiếp tục diễn biến bất thường: lũ lụt, mưa bão, giông lốc, hạn hán, nước kiệt, sạt lở bờ sông… diễn ra khó lường và mức độ gây hại ngày càng nặng nề hơn. Trên địa bàn huyện, thiên tai đã gây thiệt hại trên 3 tỷ đồng, với 19 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, tổng chiều dài 477m, mất khoảng 1.430mđất.

Bên cạnh còn xảy ra 6 vụ mưa giông, lốc làm thiệt hại 86 căn nhà, ảnh hưởng một số kho bãi, trụ điện, bảng hiệu, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài kèm giông lốc còn gây ra tình trạng ngập úng, đổ ngã thiệt hại 841,88ha lúa, nếp và 1,71ha hoa màu, ước thiệt hại 1,977 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, huyện xảy ra 1 vụ giông lốc làm tốc mái một số căn nhà tại xã Phú Long.

Dựa theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, huyện Phú Tân tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Để thực hiện phương châm: “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Tân yêu cầu các ban, ngành, UBND xã, thị trấn triển khai kế hoạch của huyện cụ thể, chi tiết, có trọng tâm, tạo điều kiện cho công tác phòng, chống thiên tai được chủ động, hiệu quả.

Huyện Phú Tân đưa ra các giải pháp ứng phó cơ bản, như: phòng, chống áp thấp nhiệt đới, bão; phòng, chống giông, lốc, sét, mưa lớn, mưa đá; ứng phó sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; ứng phó hạn hán, nước kiệt.

Trước từng loại hình, chỉ đạo rõ việc phòng ngừa và ứng phó, phân công cụ thể từng ngành, phòng, ban, gắn với trách nhiệm thực hiện, kiểm tra, theo dõi, tham gia khắc phục hậu quả, giúp đỡ người dân… Căn cứ theo kế hoạch của huyện, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai các xã, thị trấn bổ sung thêm phương án theo tình hình thực tế tại địa phương để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

MỸ HẠNH