Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng thư ký IPU Martin Chungong. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tổng Thư ký IPU cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 đã dành thời gian cho cuộc tiếp và đánh giá cao những nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam trong tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Martin Chungong cho biết, IPU luôn nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các nghị viện thành viên, ủng hộ mối quan hệ giữa các nghị viện thành viên và Liên hợp quốc; hỗ trợ để các nghị viện thành viên, trong đó có Việt Nam tăng cường năng lực khi thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Vào tháng 5 năm 2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, IPU và Quốc hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Bộ Tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện do IPU và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng.
Hy vọng chương trình này phát huy hiệu quả tốt ở Việt Nam, Tổng Thư ký Martin Chungong khẳng định IPU đã và sẽ luôn đồng hành, coi trọng hợp tác cùng Quốc hội Việt Nam. Theo đó, để các địa phương cũng như các cơ quan hữu quan Việt Nam có thể tự đánh giá các hoạt động khi thực hiện SDGs thì cuốn Sổ tay Bộ tiêu chí là rất cần thiết. Theo đó, trong khả năng của mình, Tổng Thư ký IPU sẽ vận động các kênh, nguồn lực tài chính để hỗ trợ việc in ấn và phát hành cuốn sổ tay này đến các cơ quan hữu quan và các địa phương của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam đưa nội dung này vào chương trình giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề cũng như lồng ghép vào các chương trình giám sát về kinh tế - xã hội...
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong cải thiện cuộc sống của người dân. Đây cũng là khuôn khổ để Quốc hội Việt Nam có thể tăng cường giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ thông qua việc xem xét các báo cáo về triển khai kế hoạch quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với Tổng thư ký IPU rằng, trong áp dụng Bộ Tiêu chí tự đánh giá, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam nên thực hiện một cơ chế phối hợp, lập một nhóm công tác chung gồm Quốc hội Việt Nam và các cơ quan của Liên hợp quốc cùng thực hiện.
Theo HOÀNG THỊ HOA (Báo Tin Tức)