Chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

04/10/2024 - 07:20

 - Tỉnh An Giang đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, cần sự quan tâm đúng mức của cả hệ thống chính trị.

Kịp thời, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết 623/QN-UBTVQH15, ngày 7/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh ban hành Công văn 135/UBND-TD, ngày 15/2/2023 về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện nâng cao trách nhiệm, nhất là việc tiếp công dân định kỳ, không ủy quyền cho cấp phó; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thi hành kết luận giải quyết tố cáo, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm được phát hiện qua công tác giải quyết tố cáo. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, môi trường, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý đô thị…, nhằm hạn chế tối đa phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực này.

Nhờ vậy, việc lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được quan tâm hơn; nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ tiếp dân có trình độ đại học (65% chuyên ngành luật), đảm bảo nghiệp vụ chuyên môn. Công chức được cử tham gia bồi dưỡng kỹ năng tiếp công dân, tập huấn về kỹ năng giao tiếp hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ… để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có trách nhiệm.

Từ tháng 8/2023 đến cuối tháng 7/2024, tỉnh đã tiếp 7.461 lượt công dân; tiếp nhận 2.249 đơn (79% đủ điều kiện xử lý). Qua đó, giải quyết 81% đơn, vụ việc thuộc thẩm quyền. UBND tỉnh rà soát, kiểm tra 36 vụ việc theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; ban hành 31 văn bản (thông báo chấm dứt, kết thúc giải quyết khiếu nại). Đã có 12 trường hợp người khiếu nại thống nhất chủ trương giải quyết của tỉnh, cam kết chấm dứt khiếu nại. Thanh tra tỉnh cập nhật 85 vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài vào phần mềm Hệ thống dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, để các ngành Trung ương có thông tin xử lý hoặc trả lời, giải thích, hướng dẫn khi công dân đến khiếu nại.

Một số vụ việc thực hiện theo kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giải quyết thỏa đáng, hoàn thành. Điển hình như vụ ông L.V.L (ngụ thị trấn Mỹ Luông) khiếu nại UBND huyện Chợ Mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ liền kề chồng lấn lên đất. Hiện nay, các bên đã tự thống nhất thỏa thuận cắm mốc ranh, không phát sinh tranh chấp. Tập thể cư dân chung cư M (TP. Long Xuyên) yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, được Tòa án nhân dân tỉnh tuyên xử tại Quyết định 13/2024/QĐXXST-HC, ngày 9/5/2024. Căn cứ bản án, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát cấp giấy chứng nhận cho cư dân theo thẩm quyền.

Đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang báo cáo với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đối thoại với người dân là giải pháp tốt nhất để người giải quyết khiếu nại nắm sâu sát nội dung vụ việc, yêu cầu, điều kiện, cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của công dân, giúp quá trình giải quyết được dứt điểm từ cơ sở. Hoạt động đối thoại còn được áp dụng trong giải quyết khiếu nại lần 2. “Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đặc thù này, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu rà soát, tổng hợp hồ sơ khiếu nại, hướng dẫn cơ quan thụ lý, xác minh, tham mưu giải quyết, lập tờ trình đề xuất phương án giải quyết khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi có văn bản chấp thuận phương án giải quyết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ủy quyền cho Chánh Thanh tra tỉnh đối thoại 28 vụ việc. Qua động viên, giải thích chính sách liên quan, người khiếu nại 13 vụ việc (hơn 46%) thống nhất, chấp nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, rút đơn khiếu nại. Đây là thành tích rất đáng biểu dương, khen thưởng kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin.

Nhìn chung, số lượng đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền mới phát sinh được UBND các cấp quan tâm giải quyết kịp thời. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành ngay, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Tinh thần quan tâm, trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp góp phần tháo gỡ bức xúc của công dân.

 Vẫn còn vụ việc kéo dài, phức tạp

Theo UBND tỉnh, bên cạnh chuyển biến rõ nét, tỉnh vẫn còn gặp khó khi lượng đơn không thuộc thẩm quyền phải xử lý rất cao (1.400 đơn), chiếm gần 79% tổng đơn đủ điều kiện xử lý. Chưa kể, những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài dù được đoàn, tổ công tác Trung ương, UBND tỉnh tiếp, giải thích pháp luật nhiều lần, người khiếu nại hiểu rõ quy định pháp luật, nhưng vẫn không chấp hành quyết định đã có. Một số hộ dù được giải quyết đúng chính sách, đã nhận quyền lợi, cam kết chấm dứt khiếu nại, nhưng sau đó vẫn tiếp tục khiếu nại với yêu cầu cao hơn. Hầu hết vụ việc đều có thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại hoặc văn bản thông tin về kết quả giải quyết, nhưng người khiếu nại vẫn không đồng thuận, tiếp tục đi khiếu nại nhiều nơi, thậm chí ra đến cơ quan Trung ương ở Hà Nội.

Lý giải những khó khăn này, địa phương chỉ ra nguyên nhân khách quan là chính sách bồi thường ngày càng đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, dẫn đến sự so bì của hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án trước đây. Một số hộ có biểu hiện lợi dụng dân chủ, nhân quyền, theo tâm lý “càng khiếu nại càng có lợi”, nên không đồng ý kết thúc khiếu nại. Quá trình xử lý, cơ quan chức năng chưa có biện pháp chế tài hữu hiệu.

Về chủ quan, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là giá bồi thường đất ở; chính sách hỗ trợ thấp, chưa đủ cho người dân tạo lập chỗ ở mới tốt hơn. Việc thực thi pháp luật về khiếu nại chưa triệt để, dẫn đến việc giải quyết không có điểm dừng. Việc áp dụng chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội gặp khó khăn, lúng túng vì còn tùy thuộc vào điều kiện địa phương. Có trường hợp, công dân không hợp tác cùng chính quyền tìm biện pháp giải quyết.

Làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ ban hành nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo để xử lý trường hợp gây mất an ninh trật tự nơi tiếp công dân, lợi dụng dân chủ trong khiếu nại, tố cáo, xúc phạm danh dự cán bộ, công chức, người giải quyết khiếu nại; đề nghị Thanh tra Chính phủ ban hành quy định hoặc hướng dẫn quy trình giải quyết đối với loại đơn kiến nghị, phản ánh.

Các vụ việc khiếu nại đã được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành Trung ương kiểm tra, rà soát, thống nhất với giải quyết của tỉnh, nếu người dân tiếp tục khiếu nại đến cơ quan Trung ương mà không có tình tiết mới làm thay đổi nội dung đã giải quyết, UBND tỉnh kiến nghị Ban Dân nguyện của Quốc hội phối hợp cơ quan Trung ương giải thích, động viên công dân chấp hành, không tiếp nhận đơn khi họ gửi khiếu nại.

Chủ động, trách nhiệm hơn

Giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét, tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Đồng thời đề nghị, An Giang cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tiếp công dân, hòa giải ở cơ sở để sớm xử lý dứt điểm vụ việc, từng bước góp phần hạn chế phát sinh thành điểm nóng, khiếu nại đông người, vượt cấp. Chú trọng thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động, tính chuyên nghiệp của bộ phận tiếp nhận và trả lời kết quả để tránh phát sinh đơn thư khiếu nại, khởi kiện liên quan hành chính, đất đai…

Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: “Tỉnh cần tiếp tục chủ động rà soát đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, đông người, kéo dài. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời kiến nghị, chấn chỉnh hạn chế, yếu kém trong công tác này. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu UBND các cấp theo quy định của Luật Tiếp công dân”.

Đối với đội ngũ cán bộ tiếp công dân, đồng chí Dương Thanh Bình cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chính sách hỗ trợ, nhất là ở cơ sở; quan tâm đầu tư xây dựng nơi, địa điểm tiếp công dân theo đúng quy định, thể hiện sự tôn trọng người dân, tạo thoải mái cho người dân khi đến liên hệ. Tăng cường kiểm tra; thường xuyên tuyên truyền cho đội ngũ làm công tác thực thi pháp luật, tiếp công dân; giúp họ nắm chắc quy định pháp luật để vận dụng hiệu quả, đúng quy định.

Đồng chí Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: “Thời gian tới, An Giang tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm về giao thông công cộng, chỉnh trang đô thị, cụm tuyến dân cư, khu tái định cư… kéo theo lượng đơn thư nhất định, cần phải được cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời. Pháp luật, chính sách về đất đai đang được hoàn thiện, nhiều thay đổi so với trước, dễ gây ra sự so sánh giữa các thời kỳ. Tỉnh lường trước tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ phát sinh từ những vấn đề này”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, tỉnh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Cụ thể, để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, phải thực hiện thật tốt Quy chế dân chủ cơ sở, công khai chủ trương, chính sách có liên quan đến người dân trên lĩnh vực tài chính, đất đai, giải tỏa di dời ở khu quy hoạch, xây dựng cơ bản, huy động Nhân dân đóng góp… Các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại để kịp thời nắm bắt vụ việc, chỉ đạo xử lý ngay. Quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở trách nhiệm, thẩm quyền, quan tâm hơn nữa quyền lợi chính đáng của công dân để chủ động, linh hoạt tìm nhiều giải pháp giải quyết kịp thời từ cơ sở, kết thúc vụ việc. Đặc biệt, thường xuyên lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Thực tế cho thấy, ở nơi nào quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân thì tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo diễn biến tốt hơn.

Đối với vụ việc gay gắt, phức tạp, kéo dài, phải có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền rà soát, vận dụng chính sách an sinh xã hội, chính sách có lợi nhất để công dân đồng tình. UBND các cấp, cơ quan liên quan phải khẩn trương, nghiêm túc và chủ động tổ chức thực hiện kết luận của Trung ương, tỉnh, báo cáo kịp thời để có chỉ đạo giải quyết. Cùng với đó, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng; tăng cường thanh tra trách nhiệm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

GIA KHÁNH