Để phục hồi đà tăng trưởng, hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm vượt mốc 5,75 tỷ USD của năm 2024, cần sớm có thay đổi trong sản xuất và định hướng thị trường xuất khẩu.
Ba tháng đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong quý I, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,1%. Bờ Biển Ngà và Ghana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần lần lượt là 16,3% và 10,2%.
Tiềm ẩn nguy cơ giảm giá
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã nhích lên so với hồi đầu năm 2025 nhưng vẫn ở mức dưới 400 USD/tấn - bằng gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn Ấn Độ và Pakistan lần lượt 4 USD/tấn và 8 USD/tấn. Đại diện VFA cho biết, việc tăng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới vẫn chưa thật sự khả quan do bị chi phối bởi nhu cầu thị trường và nguồn cung.
Theo báo cáo mới nhất cập nhật giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá gạo toàn cầu (FARPI) đã giảm 6,8% vào tháng 2/2025 xuống còn 105,9 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022 và giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá gạo Indica giảm mạnh nhất, giảm 7,7% so với mức của tháng 1 xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Giá gạo thơm giảm 5,4%; gạo Japonica giảm 3,1%, chủ yếu do sức mua yếu.
Tại châu Á, giá xuất khẩu giảm ở Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia nhập khẩu gạo đã giảm lượng mua dẫn đến sự sụt giảm chung. Cụ thể, hai quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu là Philippines và Indonesia đều giảm lượng mua vào trong quý I. Riêng Indonesia, triển vọng thuận lợi của vụ lúa chính năm 2025 đưa dự báo lượng gạo nhập khẩu cả năm 2025 của nước này chỉ ở mức 1,9 triệu tấn so với 3,7 triệu tấn nhập khẩu năm 2024.
FAO cũng dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024/2025 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 543 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 539,4 triệu tấn; lượng gạo dự trữ toàn cầu niên vụ 2024/2025 đạt mức kỷ lục 206 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 204 triệu tấn.
Tại Việt Nam, sau một thời gian duy trì giá bán cao, giá gạo Việt Nam liên tục biến động theo chiều hướng giảm dần đều từ tháng 10/2024 đến nay do Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (phi basmati). Trong khi đó, theo số liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 10/3/2025, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được hơn 1,5 triệu ha lúa đông xuân, thu hoạch khoảng 650.000 ha với năng suất 67,72 tạ/ha, sản lượng ước 4,402 triệu tấn lúa.
Vụ hè thu 2025 đã bắt đầu xuống giống được 203.000 ha/1,482 triệu ha diện tích kế hoạch. Như vậy có thể thấy, bên cạnh nguồn cung gạo lớn trên toàn cầu thì nguồn cung gạo của Việt Nam năm 2025 cũng khá dồi dào, do đó càng cần có kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tập trung sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao
Ông Trương Văn Chính - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gạo của công ty tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân là nhờ công ty tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao với đa dạng thị trường tại các khu vực châu Á, châu Phi, châu Âu, như: Trung Quốc, Philippines, Singapore, Ghana, Bờ Biển Ngà, Nam Phi…
Đặc biệt, gạo ST25 của công ty được xuất khẩu ngày càng nhiều sang các thị trường châu Âu như Italia, Đan Mạch, Thụy Điển… với sản lượng quý I/2025 đạt khoảng 1.000 tấn. “Điều đáng nói là gạo ST25 xuất khẩu sang châu Âu đạt giá cao, khoảng 1.250 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt chừng 700-800 USD/tấn. Còn đối với gạo thơm như Đài Thơm 8 thì mức giá chỉ đạt khoảng hơn 500 USD/tấn. Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường giá cao nên doanh thu xuất khẩu gạo của công ty vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số trong bối cảnh xuất khẩu gạo cả nước sụt giảm mạnh về giá và kim ngạch.
Ngoài gạo ST25, gạo thơm, gạo đặc sản, hiện công ty cũng đang liên kết với một số hợp tác xã thực hiện trồng lúa giảm phát thải. Nếu lượng gạo đủ lớn phục vụ xuất khẩu thì mức giá sẽ còn cao hơn nữa”, ông Chính nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cho rằng, ở phân khúc gạo chất lượng cao, giá gạo Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong các chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với một số thị trường truyền thống như tại khu vực châu Phi, có thể gạo Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh từ gạo giá rẻ của Ấn Độ. Đa dạng thị trường xuất khẩu, khai thác dư địa tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu… sẽ là những hướng đi tốt cho doanh nghiệp trước biến động thường xuyên về thị trường và giá gạo hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) Lê Thanh Tùng, để góp phần hình thành các sản phẩm gạo chất lượng cao, Hiệp hội đang tập trung tham gia thực hiện đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đồng thời, trong năm 2025, Vietrisa sẽ triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” làm tiền đề cho nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt carbon thấp”. Đây là bước đi mới với kỳ vọng sớm xây dựng được thương hiệu gạo phát thải thấp của Việt Nam, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cũng như xác lập chỗ đứng vững chắc cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.