Chuẩn bị đưa sếu đầu đỏ về nuôi tại Vườn quốc gia Tràm Chim

08/08/2024 - 14:08

Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim năm 2022-2032 được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, đưa về nuôi thả 100 con sếu.

Đàn sếu có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 185 tỷ đồng. Hiện nay, Vườn quốc gia Tràm Chim chuẩn bị tốt vùng nuôi để đưa sếu về nuôi. 

Chú thích ảnh

Sếu đầu đỏ có tên trong Sách đỏ thế giới từng xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, đến ngày 30/6/2024, các hạng mục công trình dự kiến đầu tư phục vụ Đề án sếu đã được UBND tỉnh phê duyệt chia thành 2 công trình: Đối với công trình đầu tư hạ tầng phục vụ chương trình phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ, tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 1 đã hoàn thành tất cả các hạng mục đầu tư chính thuộc công trình như: Chuồng nuôi sếu non, sếu sinh sản, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn khu... Đối với Dự án đầu tư công trình hạ tầng phục vụ chương trình phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2, Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giao vốn đầu tư công trong năm 2024 là 10 tỷ đồng.

Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp tục bổ sung thêm cây xanh để tăng độ che phủ bên trong chuồng, tạo điều kiện sếu sinh sống dễ dàng, thường xuyên kiểm tra các vật dụng (kim loại…) bên trong các chuồng chuẩn bị nuôi nhốt sếu. Theo đề án bảo tồn sếu, mực nước trong Vườn quốc gia đã được hạ thấp, các bãi cỏ năn đã được cải tạo, phục hồi để sếu kiếm ăn. Các khu nhà lồng quy mô lớn cũng đã được xây dựng để sẵn sàng tiếp nhận sếu.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất lúa sinh thái bền vững tại vùng đệm. Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 sẽ có 200 ha lúa sản xuất sinh thái và theo hướng hữu cơ, đến năm 2032 tăng lên 1.000 ha tại vùng đệm để tạo không gian tốt cho sếu đầu đỏ phát triển, cũng như tạo môi trường an toàn cho các loài chim di cư đến sinh sống tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Vườn quốc gia Tràm Chim là Khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, có 16 loài nằm trong sách đỏ của IUCN, trong đó có sếu đầu đỏ. Sếu đầu đỏ hay còn gọi là chim Hạc hoặc sếu cổ trụi được phát hiện sinh sống tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Đây là loài chim quý hiếm bậc nhất nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN thế giới. Sếu đầu đỏ được xem là biểu tượng cho sự thiêng liêng, chung thủy và may mắn; có nhiều giá trị đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, được nhiều người dân địa phương yêu mến và bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim thông tin, thời gian tới, có 6 cá thể sếu 6 tháng tuổi sẽ chuyển về Tràm Chim. Hiện nay, Thái Lan đã chuẩn bị và cách ly 17 cá thể sếu non từ các bố mẹ sinh ra khác nhau (đảm bảo tính di truyền). Các con sếu này được sinh trong năm 2023, đã xác định giới tính và đã đeo vòng để biết phả hệ; có thể lựa chọn 6 cá thể sếu non (3 trống và 3 mái) từ 17 cá thể sếu này theo thỏa thuận. Các cá thể sếu đều có hồ sơ rõ ràng. Trước khi chuyển về Vườn quốc gia Tràm Chim, phía Thái Lan đã cách ly trước 30 ngày.v

Theo TTXVN