Chuẩn bị “vụ mùa” sản xuất cuối năm

18/11/2021 - 06:30

 - Những năm trước, khoảng từ tháng 10 (âm lịch) là thời điểm các cơ sở, làng nghề trong tỉnh rầm rộ dồn sức sản xuất hàng hóa chuẩn bị cho vụ mùa Tết. Tuy nhiên, thời điểm này, dù công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương được thực hiện quyết liệt nhưng các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất ở nhiều làng nghề vẫn gặp không ít khó khăn khi “nhập cuộc”, đa phần đều đang mong đợi tín hiệu khả quan từ thị trường rồi mới bắt đầu gia tăng sản xuất.

 

Cơ sở sản xuất đèn cầy

Sản xuất khô cá lóc

Vừa sản xuất, vừa chờ tín hiệu thị trường

Anh Đàm Mạnh Tài (chủ cơ sở đèn cầy Vĩnh Hưng, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, các năm trước vào thời điểm này, cơ sở đã gia tăng sản xuất các mặt hàng chủ lực, như: Đèn cầy, nhang các loại… để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của cơ sở.

Theo anh Tài, mặt hàng đèn cầy và nhang ngoài tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh ở khu vực ĐBSCL thì các sản phẩm của cơ sở đèn cầy Vĩnh Hưng còn tiêu thụ mạnh ở TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, người dân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây vẫn đang ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tiêu thụ.

Bởi vậy, dù đã vào mùa sản xuất để phục vụ thị trường Tết, nhưng anh Tài vẫn chưa dám gia tăng sản lượng mà vừa sản xuất, vừa “nghe ngóng” những tín hiệu phục hồi của thị trường. “Những năm trước, thời điểm này là cơ sở rất nhộn nhịp, công nhân tất bật sản xuất các mặt hàng từ đèn cầy, nhang các loại.

Tuy nhiên, năm nay lại tập trung vào chuẩn bị nguồn nguyên liệu để tích trữ sẵn, khi thị trường có nhu cầu sẽ tập trung sản xuất để đáp ứng, đảm bảo nguồn cung đầy đủ. Giờ chỉ biết chờ như vậy, nhưng mong là với các biện pháp kiểm soát dịch tốt, cùng ý thức của người dân thì cuộc sống sẽ bình thường, việc mua bán, sản xuất trở lại như trước. Chỉ có vậy, công nhân mới có việc làm để lo gia đình, đón Tết” - anh Tài giải thích.

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu trong thời điểm dịch bệnh cũng là một thử thách lớn đối với nhiều DN, có nhiều loại nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài, nên gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, giá cả tăng cao. Trước tình hình đó, anh Tài cố gắng tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế, tìm cách thích ứng, duy trì sản xuất, bình ổn giá cho sản phẩm của cơ sở. “Giá cả cao thì hàng hóa khó có sức cạnh tranh trong thị trường, nên mình phải tìm cách thích ứng. Vì dịch bệnh ảnh hưởng chung nên cơ sở, DN muốn tồn tại chỉ còn cách uyển chuyển trong sản xuất, tìm kiếm thêm các thị trường để tái phục hồi sản xuất” - anh Tài chia sẻ.

Phục hồi sản xuất sau dịch

Các sản phẩm cá khô, như: Khô cá lóc, cá chạch… có lẽ là một trong số rất ít mặt hàng vẫn giữ được sản lượng tiêu thụ tốt trong mùa dịch bệnh này. Theo lý giải, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân hạn chế ra đường, nên các sản phẩm khô, cụ thể là cá khô được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì có thể bảo quản được lâu, bảo đảm các bữa ăn cho gia đình. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất khô ở các địa phương, như: Chợ Mới, Thoại Sơn, An Phú… còn năng động kết nối với khách hàng qua các trang mạng xã hội, như: Facbook, Zalo… để giới thiệu hàng hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhu cầu người tiêu dùng có, tuy nhiên việc sản xuất của các cơ sở làm khô vẫn còn khó khăn vì khi áp dụng giãn cách xã hội lại thiếu nhân công lao động, phần lớn tập trung nhân công nhà.

Anh Long Hồ (chuyên cung cấp các loại khô từ cá lóc, cá chạch ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) cho biết, trong suốt thời gian qua, các loại cá khô rất được người tiêu dùng lựa chọn, tiếp cận được khách hàng trong và ngoài tỉnh, tìm được mối sỉ và khách lẻ. “Nhờ có thương hiệu, tạo được uy tín và chất lượng nên nhiều khách hàng ngoài tỉnh tìm đến khô cá lóc Chợ Mới. Khô cá lóc của cơ sở rất đa dạng, ngoài khô theo kiểu truyền thống còn có khô một nắng, khô thái sợi, khô cá lóc đồng, má cá lóc phơi khô… Nhờ tiếp cận thị trường, vận chuyển đến tận nhà người tiêu dùng, giá cả ổn định, lại thêm sản phẩm chất lượng và đa dạng nên được khách hàng tin tưởng giới thiệu. Nhờ vậy, lượng khách hàng cũ ổn định, khách hàng mới vẫn có” - anh Long Hồ thông tin.

Thời điểm này, không riêng cơ sở của anh Long Hồ mà các hộ làm khô ở các địa phương trong tỉnh bên cạnh sản xuất đáp ứng thị trường, bà con đang dồn sức chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Vì khi chuẩn bị nguồn hàng từ bây giờ thì giá cả thời điểm Tết sẽ bình ổn, chia sẻ phần nào khó khăn với người tiêu dùng trong mùa dịch. Mong rằng bằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, các cơ sở, DN, các hộ sản xuất ở làng nghề có thể phục hồi sản xuất, tăng sản lượng hàng hóa, phục vụ cho mùa mua bán nhộn nhịp cuối năm.

ÁNH NGUYÊN