Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite dẫn đầu đà đi lên với mức tăng hơn 3% và khép phiên ở mức 15.686,92 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,4% lên 35.719,43 điểm còn chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến 2,1% lên 4.686,75 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đua nhau lên điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1,5% lên 7.339,9 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 2,8% lên 15.813,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 2,9% và đạt mức 7.065,39 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng tới 3,4% và khép phiên ở mức 4.276,2 điểm.
Nhà phân tích Neil Wilson của chuyên trang giao dịch tài chính Markets.com (Mỹ) cho biết thị trường đã hoảng loạn ngay từ những dấu hiệu đầu tiên của Omicron. Nhưng giờ đây, họ lại tự tin rằng tình hình đại dịch sẽ không tồi tệ như lo ngại ban đầu.
Theo chuyên gia này, nhu cầu về các tài sản rủi ro đang được cải thiện khi bằng chứng dần dần ủng hộ lập luận rằng biến thể Omicron sẽ ít gây thiệt hại cho nền kinh tế hơn so với dự kiến vào cuối tháng 11. Đợt "lao dốc" hôm 26/11, các nhà đầu tư hiện đang lạc quan về triển vọng của thị trường trong giai đoạn tiến gần hơn tới Giáng sinh.
Một yếu tố khác trong phiên 7/12 cũng giúp nâng đỡ tâm lý thị trường động thái từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế từ các cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản của nước này.
Trước đó cùng ngày đã xuất hiện thông tin rằng nhà phát triển bất động sản đang chìm trong nợ nần Evergrande đã lên kế hoạch cho một vụ tái cơ cấu nợ lớn nhất của Trung Quốc, giữa bối cảnh tập đoàn này đối mặt với khả năng vỡ nợ đối với một khoản thanh toán chủ chốt.
Một công ty bất động sản lớn khác của Trung Quốc là Sunshine 100 China Holdings cũng cho biết họ đã bỏ lỡ thời hạn trả nợ của mình.
Những thông tin này đã làm dấy lên lo ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn là một phần quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, PBoC hôm 6/12 thông báo sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12 tới.
Theo thông báo của PBoC, động thái sẽ giúp giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ, cho phép bơm 1.200 tỷ NDT (188,4 tỷ USD) vào nền kinh tế trong dài hạn.
Theo Báo Tin Tức