Theo nhiều nghiên cứu, tại Việt Nam, người Việt ít có thói quen đọc sách, nhất là ở những người trẻ. Nếu không tính sách giáo khoa, mỗi năm người Việt đọc chưa tới 1 cuốn sách. Trong khi người Phần Lan đọc 18 quyển sách/năm. Câu hỏi đặt ra vì sao sức đọc của người Việt Nam quá thấp? ThS Cao Văn Đức (nguyên giảng viên Trường Đại học An Giang) lý giải: “Đọc sách là thói quen bắt nguồn từ tính tò mò, mong muốn tìm hiểu về một vấn đề gì đó và để trả lời bằng được các thắc mắc trong đầu.
Từ xưa đến nay, người học phải đi hỏi thầy hoặc tự tìm hiểu với “người thầy” là những quyển sách. Thế nhưng, trong thời đại công nghệ số, việc tìm hiểu vấn đề dễ dàng hơn, thì các bạn trẻ đã không còn sự chịu khó nghiền ngẫm kiến thức qua từng trang sách, thay vào đó dành thời gian để tìm hiểu công nghệ nhiều hơn. Đây vừa là thuận lợi và cũng là khó khăn đối với việc xây dựng văn hóa đọc”.
Buổi giao lưu giới thiệu sách mới giữa nhà văn Lê Quang Trạng và các bạn trẻ
Để thích ứng với nhu cầu, thói quen đọc sách của nhiều đối tượng, các hình thức đọc sách hiện nay được phát triển đa dạng hơn. Đó là đọc sách trực tuyến cho phép người dùng tìm kiếm và đọc toàn bộ quyển sách trên mạng internet hay sách nói dành cho thiếu nhi, cho người lớn tuổi trên mạng xã hội hoặc được cài sẵn trên máy mp4 tại Thư viện tỉnh. Tuy nhiên, trước sự phong phú, đa dạng đầu sách, báo, tạp chí như hiện nay, cách chọn lựa sách như thế nào, kỹ năng đọc sách ra sao cũng là vấn đề cần quan tâm và chia sẻ để việc đọc sách hiệu quả hơn.
Theo cô Nguyễn Thị Thái Trân (giảng viên Khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang): “Sinh viên hiện nay rất ít đọc sách, khi được khuyến khích tìm hiểu thông tin, kiến thức phục vụ cho bài học, các em chỉ tìm đúng nội dung cần tìm, chứ không mở rộng hay bổ sung kiến thức nền, nội dung liên quan để mở rộng kiến thức.
Trước những quyển sách, có một số em không biết cách đọc, có em đọc một mạch từ đầu đến cuối, có em đọc lướt qua và không hiểu nội dung, không tìm được từ khóa, không hiểu trọng tâm nội dung phần đó nói lên điều gì. Các em còn thiếu ghi chép hoặc đánh dấu nội dung cần ghi nhớ, nghiền ngẫm để việc đọc sách, tìm hiểu được sâu hơn, ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Bên cạnh đó, một khuyết điểm của các bạn trẻ hiện nay là ít đọc các loại sách về đạo đức, văn hóa, giao tiếp, các lĩnh vực phụ trợ chuyên ngành. Do vậy, các em thường viết sai chính tả, thiếu ngôn từ để giao tiếp hay thuyết trình, phát âm chưa chuẩn vì thiếu quá trình hấp thụ và diễn đạt ngôn ngữ. Để các bạn trẻ được học tập và đạt kết quả tốt hơn, phụ huynh cần xây dựng thói quen đọc sách và hướng dẫn cách đọc sách cho con ngay từ lứa tuổi thiếu nhi, tốt nhất là từ khi biết đọc và viết. Vì như vậy, các em mới có thể được kích thích tính tò mò, khám phá và chỉ tập trung trong trang sách yêu thích. Đó cũng là cách để các bé hạn chế sự lạm dụng vào thiết bị công nghệ”.
ThS Nguyễn Thu Hương (Khoa Văn hóa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trong buổi giao lưu với giáo viên và phụ huynh tại Thư viện tỉnh, đã chỉ ra lợi ích của việc đọc sách là quá trình hình thành nhân cách tốt đẹp cho các em nhỏ, giúp các em nhận thức được điều gì nên và không nên làm; biết tiết kiệm thời gian hơn cho các hoạt động học tập, tìm hiểu kiến thức, bài học quý qua từng trang sách.
Do vậy, các bậc cha mẹ nên xây dựng tủ sách gia đình và đọc sách cùng con. Chính sự đồng hành của cha mẹ sẽ giúp các em có thêm niềm vui, vì không phải đọc sách một mình, cha mẹ có thể đọc trước và tìm mua các loại sách phù hợp lứa tuổi của con, hướng dẫn con cách đọc sách và bày tỏ quan điểm, mức độ hiểu biết của mình sau khi đọc sách.
Các gia đình có con cùng lứa tuổi có thể cho các con cùng đọc sách, các gia đình có thể cùng chia sẻ với nhau về những nội dung tìm hiểu được trong các quyển sách. Bên cạnh đó, để con trẻ hứng thú hơn, phụ huynh có thể cho con tham gia các hoạt động, cuộc thi do thư viện, trường học tổ chức, như: Góc sách mới, triển lãm sách, giao lưu với các diễn giả, tác giả sách, kể chuyện sách, đại sứ văn hóa đọc… nhằm tạo động lực, niềm đam mê cho con trẻ học tập và khám phá.
Đọc sách là điều rất quan trọng để hình thành nên văn hóa con người và nền văn hóa của quốc gia, dân tộc. Văn hóa ấy được xây dựng từ chính trong gia đình và mỗi cá nhân tự xây dựng, rèn luyện cho mình thói quen đọc sách. Đọc sách thường xuyên hơn, có chọn lọc, đúng phương pháp và khoa học hơn sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân, gia đình, nhất là với thanh, thiếu nhi, lứa tuổi cần vun bồi đạo đức và lý tưởng sống.
TRÚC PHA