Gần 6 tháng kể từ khi kết thúc năm học 2020 - 2021 đến bắt đầu năm học mới 2021 - 2022, nhiều gia đình chưa cho trẻ con bước chân ra khỏi nhà vì dịch COVID-19. Mọi sự kiện đều diễn ra tẻ nhạt trong bốn bức tường, trẻ chỉ có thể làm bạn với điện thoại, tivi. Trường học đóng cửa nhiều tháng dài không những ảnh hưởng đến học tập mà còn khiến việc phục hồi sau đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới chậm hơn.
Mở cửa trường là giải pháp phục hồi kinh tế
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu, các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc cho trẻ tới trường, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Học sinh Ba Vì (Hà Nội) đi học trở lại sau dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
Trước đây, khi chưa phủ vaccine cho người lớn, chúng ta phải ngừng cho học sinh tới trường là đúng. Vì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ rất thấp nhưng các em có thể lây từ người lớn. Khi độ phủ vaccine người lớn cao, đồng nghĩa đối tượng nguy cơ được bảo vệ, lúc này, học sinh nên được tới trường.
Ông cho rằng, đến nay Chính phủ và Bộ GD&ĐT đều ráo riết đưa ra nhiều chính sách hướng dẫn, yêu cầu mở cửa trường học. Tuy nhiên các địa phương vẫn đang chậm trễ, thậm chí có phần rụt rè trong triển khai thực hiện.
"Mở cửa trường học cần được coi là một trong những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trẻ đến trường, cuộc sống gia đình trở lại nhịp vốn có, khi ấy cha mẹ mới yên tâm công tác, làm kinh tế để đưa xã hội phục hồi", GS Dong nhấn mạnh và cho rằng, để đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại, ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, từ cấp bộ đến cấp sở, ngành và trong phạm vi từng trường học.
TS.BS Trần Hải Việt, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) dẫn báo cáo khoa học gần đây của Trung Quốc và Singapore cho thấy, trường học không phải là môi trường mà virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng.
Các nghiên cứu về trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 trong độ tuổi 0 - 19 tại Trung Quốc cũng chứng minh nguy cơ lây nhiễm ở trẻ trong trường học thấp hơn ngoài cộng đồng. Phần lớn trẻ nhỏ hơn 10 tuổi đến trường là an toàn, dù trẻ em lớn hơn (10 - 19 tuổi) vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
Một nghiên cứu khác khảo sát 17 trường học ở vùng Wisconsin, Mỹ, tập trung vào 191 nhân viên và sinh viên nhiễm COVID-19 trong suốt thời điểm lây truyền đỉnh điểm ở khu vực đó, cho thấy chỉ có bảy trường hợp bắt nguồn từ trường học. Điều này cho thấy học sinh nhiễm virus ít có xu hướng lây lan ở trường học.
Trẻ cần ra ngoài vui chơi
Theo ThS Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, thói quen sinh hoạt hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán khiến trẻ hụt hẫng, ngừng trệ trong tư duy, chậm phát triển.
Chị từng chứng kiến cậu bé thường xuyên la hét, dỗi hờn, thậm chí có hành vi bạo lực đánh đấm mạnh tay với người này mỗi khi không vừa lòng điều gì đó. Thi thoảng, bé lại tự nhốt mình trong phòng gào khóc, không rõ lý do. Đây là dạng của tâm thần thể nhẹ do bị 'nhốt' ở một không gian nhất định quá lâu, thiếu sự hoà nhập xã hội.
Trẻ cần sớm được tới trường học tập, vui chơi. (Ảnh minh hoạ: M.K)
Chị Quỳnh đề nghị cơ quan quản lý cần sớm tính đến phương án mở cửa trường học an toàn. Chúng ta phải xác định sống chung với dịch bệnh, "nhốt' các con ở nhà quá lâu tiềm ẩn nguy cơ chậm phát triển thể lực và thần kinh cao hơn là đến trường trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
"Nếu con trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể lực và trí tuệ của trẻ, nhất là độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi", vị chuyên gia nói.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, ở nhà quá lâu khiến trẻ bị rối loạn tâm lý, nặng hơn là tâm thần, mất kiểm soát cảm xúc do ít tiếp xúc với người khác và bạn bè đồng trang lứa. Biểu hiện qua việc trẻ ít nói, né tránh ánh mắt khi giao tiếp, sợ người lạ.
Đặc biệt trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi, giai đoạn này các con phân biệt được quen, lạ và bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, nhận biết đồ vật qua trò chơi, quan sát. Trẻ học các bước vào “giai đoạn xã hội hóa”, bước khỏi gia đình để tiếp xúc với những trẻ khác, kết nối với thầy cô, người xung quanh. Tuy nhiên, bị hạn chế tương tác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt ngôn ngữ, nhận thức và xã hội hóa.
Đây cũng là giai đoạn phát triển vận động nên nếu trẻ bị hạn chế vui chơi trong phạm vi hẹp, ít chạy nhảy, năng lượng không được giải phóng sẽ tạo thành những bức bối, khó chịu, căng thẳng. Điều này dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như vốn ngôn ngữ. Nặng hơn, trẻ bị rối loạn lo âu, chỉ cần người bên cạnh không ngồi sát bên là trẻ đã co rúm sợ hãi, khóc thét đòi, có trẻ chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thờ ơ mọi thứ.
Sức khỏe tinh thần bất ổn khi ở nhà lâu
Dưới góc độ tâm lý học và sức khỏe, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn một số nghiên cứu cho thấy, học trực tuyến kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất (thị lực giảm, giảm vận động dẫn đến nguy cơ béo phì) và sức khỏe tinh thần của học sinh (tăng sự bực bội, cáu gắt, lo lắng, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ kiến thức) cũng như các kỹ năng xã hội (do đói tương tác người thực) hơn so với học trực tiếp.
Chưa kể, so với học trực tiếp, học trực tuyến không thỏa mãn và không tạo hứng thú với 74% học sinh, vì thiếu vận động, thiếu tương tác và phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình.
Học sinh vui chơi khi tới trường. (Ảnh minh hoạ: M.K)
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần do dịch bệnh tăng lên gấp 5-7 lần so với bình thường và bộ phận lớn trong đó là trẻ em. Do đó, việc cho học sinh trở lại trường cần phải được nhanh chóng xem xét và thực hiện.
Hơn một năm ở nhà và quá nhiều xáo trộn làm bào mòn sức khỏe tâm lý của trẻ. Đại dịch COVID-19 cùng những chính sách giãn cách xã hội đã gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế. Đồng thời, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus, làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến.
“Không những thế, việc bị mắc kẹt ở nhà, bị giới hạn khỏi những hoạt động thường ngày khiến các em làm bạn nhiều hơn với các thiết bị công nghệ. Hệ quả là tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng bao gồm cả bạo lực càng nhiều hơn.
Đặc biệt, phải thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động cũng khiến trẻ tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh, nóng giận. Tất cả lo lắng và những bức bối dồn nén khi phải ở trong nhà quá lâu có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực, trên thực tế cần sớm cho học sinh quay trở lại trường”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nam cho rằng, có thể lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi học sinh nghỉ hè những năm trước. Những ngày đầu tiên trở lại trường, các em rất hào hứng, nhưng cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em, trở lại trường là trở lại với những nỗi lo. Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác.
Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường. Giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn. Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn - ngủ phù hợp với học kỳ. Cha mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần.
Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) thóng kê, tính đến tháng 6/2021, dịch COVID-19 khiến 770 triệu trẻ em không được đến trường toàn thời gian, trong đó khoảng 24 triệu học bỏ học do hậu quả của đại dịch.
Hồi đầu tháng 9/2021, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đưa ra chiến dịch kêu gọi đưa trẻ em trở lại trường học do những hậu quả đã và đang diễn ra. Đến nay, các nước đã có những động thái mở cửa trường học dựa trên tình hình và kinh nghiệm phòng chống dịch của mình. Tuy nhiên, ngành giáo dục cùng với ngành y tế cần phối hợp lập kế hoạch và xây dựng các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC NEWS)