Chuyện về một quân nhân nặng nợ với nghề báo

21/06/2022 - 06:52

 - Chúng tôi đến huyện Châu Phú, thăm nhà thượng tá Ngũ Văn Tranh (sinh năm 1969, nguyên Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) khi nắng dần chuyển nhạt. Anh vẫn nhiệt tình, rổn rảng như ngày nào, mãi nhắc chuyện đời, chuyện nghề báo với lứa “làm nghề đương thời” chúng tôi.

Thượng tá Ngũ Văn Tranh (phải)

Anh Tám Tranh (Ngũ Văn Tranh) không phải là nhà báo, nhưng lại chuyên nghiệp hơn rất nhiều nhà báo có thẻ. Nhắc đến anh, là nhắc đến thương hiệu của “Tổ tuyên truyền Quốc phòng toàn dân”. Đây cũng là nét đặc trưng riêng có của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, bởi ít địa phương chú trọng thành lập và duy trì tổ chuyên mục hàng chục năm như thế. Nói không ngoa, anh cũng là người “đặt nền móng” cho công tác tuyên truyền về quân sự, quốc phòng địa phương từ rất sớm, khoảng 30 năm trước. Cả quá trình công tác trong quân ngũ, anh toàn tâm, toàn ý cho hoạt động tuyên truyền, mang hình ảnh quân nhân đến gần với công chúng, bạn đọc nhất có thể, như mạch nước ngầm thấm sâu ngày qua ngày.

Đối với người làm báo chuyên nghiệp, khái niệm nghỉ lễ, cuối tuần, đêm hay ngày… chỉ mang tính chất tượng trưng, còn lao động nhà báo được xác định theo sự kiện. Mà sự kiện thời sự, nhịp sống thì tưng bừng hàng phút, hàng giây. Anh đảm đương trọng trách tuyên truyền trong ngành quân sự, cũng tưng bừng, năng động như thế, nhất là vào cao điểm tuyển quân, tuyển sinh quân sự, huấn luyện, diễn tập…

Anh như cánh chim bay miệt mài trên vạn dặm thông tin. Tuổi tác, cấp bậc cao dần theo ngày tháng, mà lòng nhiệt huyết của anh với công việc vẫn vẹn nguyên như thuở trẻ trung. Sáng ở huyện biên giới, chiều anh đã ở một đơn vị nội địa, tối về cặm cụi dựng hình, viết tin, bài ở cơ quan.

Những ngày dịch bệnh COVID-19 chớm xuất hiện, anh “lôi” chúng tôi ra biên giới xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (huyện Tri Tôn), thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn), xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)… Giữa trưa nắng chan chát, ở độ tuổi ngoài 50, quân phục ướt đẫm mồ hôi, anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tác nghiệp. Đi với anh, mới cảm nhận rõ năng lượng của một nhà báo áo lính, mới “thấm” cường độ làm việc cao là thế nào.  

Trong thời gian dài may mắn sát cánh cùng anh, điều quý giá nhất là chúng tôi được anh truyền kinh nghiệm làm nghề. Viết báo vốn dĩ chuyên ngành của chúng tôi, nhưng viết báo về quân sự, quốc phòng lại rất cần sự hỗ trợ từ cán bộ chuyên ngành quân sự. Thấy dễ, mà khó, nhưng vượt qua cái khó lại thấy dễ. Đó là cách dùng câu từ, thuật ngữ quân sự chính xác; là am hiểu và chuyển tải hình ảnh quân nhân, hoạt động quân sự, quốc phòng địa phương một cách đầy đủ, rộng rãi đến với toàn dân; là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận tư tưởng, sát vai cùng người lính.

“Lúc đầu, nhiều người nghĩ rằng, viết về quốc phòng là khô khan, chỉ có “súng đạn ì đùng”. Ngày càng lấn sâu, sẽ thấy đó là một lĩnh vực “mênh mông trời đất”. Bất kỳ điều gì của lĩnh vực này cũng liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến đời sống kinh tế - xã hội. Bởi thế, đó mới là nền quốc phòng toàn dân” – anh chia sẻ. Đặc biệt hơn hết, cách viết, câu từ của anh – cũng giống với tính cách anh – gần gũi, dễ cảm lắm, chứ không hô hào khẩu hiệu, cứng nhắc như mọi người hay nghĩ về bộ đội và quân sự.

Để có tác phẩm đến với công chúng, anh nghiêm túc, thận trọng trong mỗi câu từ, cân nhắc từng hình ảnh. Một đồng nghiệp của tôi kể lại, anh cầu toàn đến mức, viết xong chưa ưng ý, anh bỏ bản thảo cũ, ngồi vắt óc nghĩ ra ý tứ mới, tốn thời gian của chính mình bao nhiêu cũng được, chứ nhất quyết không “thỏa hiệp” với sự dễ dãi, xuề xòa, không muốn đứng tên trên một bài viết hời hợt, sai sót.

Tiếc rằng, những chuyến đi nối tiếp nhau, kéo giãn sức khỏe anh, mà lại rút ngắn thời gian anh dành riêng cho mình. Cuối năm 2020, căn bệnh rối loạn tiền đình hoành hành, khiến anh mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt đến mức không thể ngồi được. Anh buộc phải dừng mọi công việc, kể cả dừng suy nghĩ lo âu, nếu muốn sớm khỏe lại. Những ngày bệnh tình trầm trọng nhất, anh không thể đọc bất kỳ sách báo nào, kể cả lướt màn hình điện thoại; không thể chạy xe. Mái tóc anh bạc trắng sau mấy hôm. Bệnh này thuyên giảm, thì anh lại tiếp tục điều trị bệnh gai cột sống, thoát vị đĩa đệm… Đó là hệ quả của những ngày anh rong ruổi bằng xe máy từ huyện này qua xã khác, bất kể nắng mưa, sáng tối, trên xe còn chở theo máy quay và chân máy cồng kềnh, ăn trễ bữa, ngủ trễ giấc, áp lực công việc trĩu nặng đầu óc.

Cánh chim ấy đã kiệt sức. Bất khả kháng, anh đành xin nghỉ trước hạn, bần thần trao niềm tin và trọng trách tuyên truyền cho người ở lại. Hôm chúng tôi đến thăm, anh khoe, mình đã khỏe 7-8 phần, có thể chạy xe đoạn đường ngắn, có thể ngồi trò chuyện, ăn uống vui vẻ gần giống như trước. Anh tạm gác công việc mình gắn bó cả đời, nhưng chưa bao giờ bỏ mặc, quay lưng! Thậm chí, anh sẵn sàng nhận những cuộc điện thoại đồng nghiệp, cộng tác viên, đáp ứng lời nhờ cậy của họ, hướng dẫn hoặc chia sẻ nội dung liên quan đến lĩnh vực anh am hiểu, chẳng nỡ phụ lòng ai…

Cả đời anh viết báo nhưng chưa xuất hiện trong tác phẩm báo chí ở vai trò “nhân vật”. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi viết về anh, như món quà tri ân những điều thầm lặng mà anh đóng góp vào lĩnh vực báo chí…

Thượng tá Ngũ Văn Tranh là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhiều năm liền; được khen thưởng, biểu dương trong suốt quá trình công tác. Anh từng đoạt Huy chương Bạc, 2 bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với tác phẩm “Ông Ba Thành – sâu nặng nghĩa tình đồng đội”, cùng nhiều giải thưởng báo chí khác.

GIA KHÁNH